Lá chắn tên lửa của Mỹ không chỉ trải rộng mà còn là một hệ thống phòng thủ đa tầng cả trên bộ lẫn trên biển.
Hồi cuối tuần trước, AP dẫn lời quan chức cấp cao Nga giấu tên cho hay Moscow hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 sẽ “linh hoạt” hơn đối với lá chắn tên lửa của nước này. Ngoài ra, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 8.11 cũng tuyên bố Moscow muốn ông Obama lắng nghe sự quan ngại từ phía nước này đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Thời gian qua, chủ đề này là một trong những bất đồng sâu sắc nhất giữa hai bên.
Bao phủ rộng rãi
Sự quan ngại từ phía Moscow là hoàn toàn dễ hiểu khi Washington đang kết hợp cùng NATO đẩy nhanh quá trình phát triển mạng lưới phòng thủ tên lửa tại châu Âu, nằm sát sườn Nga. Hồi tháng 3, BBC đưa tin ít nhất một chiến hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã có mặt tại Địa Trung Hải. Trước đó, vào tháng 1, RIA-Novosti đưa tin Mỹ vừa triển khai radar cảnh báo sớm tối tân X-band AN/TPY-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một phần trong Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đến tháng 10, Tây Ban Nha chính thức thông qua việc tiếp nhận 4 tàu chiến Mỹ trang bị hệ thống Aegis cập cảng nước này. Sau một thời gian chuẩn bị, 4 chiến hạm dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2014 để trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa do NATO thiết lập tại châu Âu. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận để lắp đặt hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản mặt đất tại Romania vào năm 2015. Tất cả các hệ thống Aegis, radar cảnh báo sớm và THAAD… là những thành phần then chốt của lá chắn tên lửa mà Mỹ đang thiết lập hoặc hợp tác xây dựng.
Sơ đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu đến năm 2018 - Đồ họa: Hoàng Đình/ Ảnh: BBC |
Theo BBC, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO dự kiến sẽ bao phủ toàn bộ châu Âu vào năm 2018. Tất nhiên, Washington đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống này.
Không chỉ ở châu Âu, Mỹ cũng đang ráo riết mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này tại châu Á, đặc biệt là vùng Đông Bắc Á. Hiện tại, một số tàu chiến nước này trang bị hệ thống Aegis đã có mặt tại Nhật Bản, Guam và Hawaii. Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc công bố thỏa thuận lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm X-band AN/TPY-2 thứ 2 tại Nhật Bản. Trước đó, Washington đã lắp đặt một hệ thống như vậy tại Hawaii và dự định sẽ có thêm một radar X-band AN/TPY-2 trong thời gian tới. Từ đó, Lầu Năm Góc hình thành nên một hệ thống radar cảnh báo sớm bao phủ gần trọn châu Á, nối liền châu Âu. Ngoài ra, dù giới chức quốc phòng Hàn Quốc bác bỏ thông tin hợp tác thiết lập lá chắn tên lửa với Mỹ nhưng khẳng định vẫn cần kết nối với hệ thống vệ tinh của Lầu Năm Góc.
Hệ thống đa tầng
Vừa mở rộng quy mô, Mỹ cũng liên tục tăng cường tính chính xác của hệ thống phòng thủ tên lửa mà nước này đang thiết lập. Ngày 24.10, chuyên trang thông tin lục quân Mỹ DVIDS đưa tin Lầu Năm Góc vừa thực hiện cuộc thử nghiệm phức tạp nhất trong lịch sử quân sự nước này. Cuộc thử nghiệm diễn ra ở bãi thử Reagan thuộc Cộng hòa đảo Marshalls và vùng lân cận thuộc tây Thái Bình Dương. Tại đây, hai hệ thống Aegis và THAAD kết hợp cùng nhau đã đánh hạ thành công cùng lúc 5 mục tiêu, gồm cả tên lửa đạn đạo lẫn hành trình.
THAAD là một hệ thống phòng thủ trên mặt đất với vũ khí nòng cốt là các tên lửa Patriot dùng để triệt hạ những hỏa tiễn đạn đạo ở giai đoạn cuối cùng. Tên lửa Patriot có thể đạt tầm cao lên đến 24 km và tầm xa từ 20 - 160 km. Hệ thống Aegis thì lại hoạt động chủ yếu trên biển với vũ khí nòng cốt là tên lửa SM-3. Loại tên lửa này đạt tầm cao đến 160 km và tầm xa khoảng 500 km. Trước đây, SM-3 từng thử nghiệm bắn hạ thành công một vệ tinh cũ của Mỹ ngoài không gian. Hiện tại, Washington tăng cường phát triển các phiên bản SM-3 được bắn từ mặt đất để đẩy mạnh hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa. Cả hai hệ thống THAAD và Aegis đều có nền tảng hoạt động cơ bản khá giống nhau là nối kết với các radar cảnh báo sớm, vệ tinh để xác định mối nguy rồi khai hỏa đánh chặn.
Ngô Minh Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét