Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11 trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì một số đối tượng tham gia giao thông sẽ bị phạt bởi quy định “xe không chính chủ”. Vậy, những người tham gia giao thông nào sẽ không bị phạt?
Quy định không mới…
Thông tin về việc người dân sẽ bị phạt khi điều khiển xe không chính chủ đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin. Đâu đâu cũng bàn tán về việc “chính chủ” hay không “chính chủ” và những hệ lụy có thể phát sinh.
Tuy nhiên, đây là một quy định không mới! Ba năm trước, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã nêu rõ đối tượng bị phạt và mức phạt. Điều 33, Nghị định này quy định phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô “không chuyển quyền sở hữu phương tiện” theo quy định.
Mới đây, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11 đã nâng mức phạt lên so với quy định tại nghị định 34/2010/NĐ-CP. Điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71 phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Điểm c, mục 8.6 Điều 1, Nghị định 71 quy định phạt tiền từ 6.000.000 đến 10.000.000 triệu đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Mượn xe không bị phạt
Như vậy, theo các điều khoản trên thì người sẽ bị phạt chính là “chủ phương tiện” chứ không phải là người điều khiển phương tiện. Điểm mới của quy định cũ này chỉ là việc nâng mức phạt được áp dụng từ ngày 10/11 mà thôi. Tuy nhiên, ngay lập tức, dư luận bùng phát các thông tin như người điều khiển phương tiện không chính chủ; con, cháu điều khiển xe của bố mẹ, ông bà; bạn bè mượn xe của nhau, nhân viên sử dụng xe của công ty, tổ chức, cơ quan… sẽ bị phạt.
Giải thích rõ về các đối tượng sẽ không bị phạt theo quy định nêu trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) khẳng định, người điều khiển mà mượn xe sẽ không bị phạt. Như vậy, theo lời ông Tuyên thì tất cả các trường hợp xe bạn bè, đồng nghiệp, người thân, con cái mượn xe của bố mẹ, ông bà khi điều khiển thì không bị phạt về lỗi không chính chủ. Cùng đó, người sử dụng xe của cơ quan, khi chứng minh mình là nhân viên của cơ quan thì cũng không bị phạt.
Về quy định các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện cần có để chứng minh là xe mượn, xe được cho tặng, thừa kế, Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Chưa có quy định và sẽ có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an”(?!).
Nhiều cái khó cho dân
Theo trên, mặc dù khi người không phải chính chủ điều khiển xe của người khác không bị phạt nhưng để giải thích cho CSGT hiểu thì trong nhiều trường hợp còn khó hơn… “lên giời”.
Thực tế, các trường hợp con cái sử dụng xe của bố mẹ, ông bà, bạn bè sử dụng xe của nhau… khi bị CSGT tuýt còi thì cần có các giấy tờ, thậm chí là nhân chứng để chứng minh “xe chính chủ” đã rất khó. Chưa kể, để giải thích việc “chính chủ” hay không, ngay người có tài sản còn gặp vô số trường hợp éo le khác khi biện minh đó là tài sản của mình.
Còn với trường hợp người bán đã mất giấy tờ, kể cả giấy tờ mua bán, trao tặng, thừa kế… và không có căn cứ để làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì khoản 3 Điều 20, Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định: “Chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định”. Người dân cho rằng, quy định này khác nào đánh đố người thực hiện, một khi người dân đã mất giấy tờ trên thì làm gì đảm bảo yếu tố “đầy đủ theo quy định” để mà thực hiện.
Trong trường hợp không chứng minh được nêu trên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội khẳng định, xe bị bắt do vi phạm sẽ bị giữ lại để… xác minh(?!). Theo người dân, trong trường hợp này thì cơ quan công an cần phải quy định rõ thời gian, thời hạn xác minh và công bố cho người dân biết. Sau khi hết thời hạn xác minh thì cần công bố kết quả cuối cùng, kể cả trong trường hợp cơ quan công an không thể xác minh nổi thì giải quyết như thế nào cho công dân để tránh tình trạng cơ quan công quyền “ngâm” hồ sơ còn người dân thì dài cổ chờ đợi và gánh chịu vô số khó khăn khác.
Còn nữa, rất nhiều thắc mắc cho rằng với những trường hợp bố mẹ mất, để lại xe cho con mà chưa kịp làm thừa kế, con lại bán xe đó cho người khác thì người mua cần phải làm gì để sang tên, đổi chủ? Phần lớn ý kiến người dân được tham khảo cho rằng, khi quy định về chuyển quyền sở hữu nêu trên có hiệu lực mà cơ quan chức năng chưa có đầy đủ thông tư hướng dẫn thì có nên phạt hay không?
theo tinmoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét