Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Hốt bạc nhờ... khiêng xe


"Đường cao tốc cấm xe máy lâu rồi, một là anh đưa 100.000 đồng, bọn tôi sẽ khiêng xe qua bên đường cho, hai là, anh cứ chạy thẳng rồi nộp phạt..." - nhóm người chuyên khiêng xe vừa nói vừa chỉ tay về phía cảnh sát giao thông (CSGT).
Ai đi xe máy vào đường cao tốc đều phải chịu cảnh "tiến thoái lưỡng nan". 
Mặc dù quy định cấm xe máy và xe thô sơ đi trên cao tốc Pháp Vân  - Cầu Giẽ (Hà Nội) đã có hiệu lực từ tháng 12/2011, thế nhưng nhiều người dân vẫn vô tình vi phạm. Một số người bất chấp biển cấm, không chạy xe trên quốc lộ 1A cũ mà vẫn vượt lên đường cao tốc. Khi thấy bóng dáng lực lượng CSGT, họ bám sát theo sau đuôi xe ô tô để tránh bị bắt. Thậm chí, nhiều người còn mạo hiểm quay đầu xe chạy ngược chiều, rất nguy hiểm. Các phương tiện xe máy "lỡ" đi vào đường cao tốc không thể quay lại, buộc phải tìm cách nhấc xe máy qua lan can đường. Dịch vụ "khiêng xe" được dịp hốt bạc.
  
Từ "giúp" đến... ép
Khi những chiếc xe máy từ hướng cầu Thanh Trì ào ào tiến vào trung tâm thành phố cũng là lúc cảnh tượng khiêng xe bắt đầu diễn ra. Thay vì chạy làn đường phía dưới dành riêng cho xe máy, một số người vẫn bất chấp biển báo, chạy thẳng lên đường cao tốc trên cao để... đi cho nhanh. Khi những chiếc xe máy đang lao vun vút trên đường thì phía trước xuất hiện lực lượng CSGT, ngay đoạn rẽ xuống đường Pháp Vân. Trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan", một "đội quân hào hiệp" đã xuất hiện, "ứng cứu" người vi phạm. Nhóm người này thuyết phục người vi phạm: "Một là cứ chạy thẳng rồi để CSGT xử phạt, hai là, chúng tôi giúp khiêng xe qua rào lan can vì bây giờ quay lại cũng không được mà lại nguy hiểm". Tất nhiên là những người đi xe máy mừng như gặp "quý nhân" và họ đành phải chọn giải pháp nhờ khiêng xe qua rào lan can.
Sau khi chiếc xe đã "hạ cánh" an toàn ở làn đường dành cho xe máy, nhóm thanh niên "hào hiệp" liền ngỏ lời với chủ xe chi một chút tiền "bồi dưỡng". Nói là "bồi dưỡng" nhưng mức giá mà nhóm thanh niên trên đưa ra thường từ 100.000 - 200.000 đồng. Lúc này, nhiều người mới vỡ lẽ khi họ tránh được CSGT thì lại rơi vào "trận địa" của nhóm người "tốt bụng" này. Cực chẳng đã, những chủ xe đành ngậm ngùi rút ví trả tiền để tránh phiền phức.
Theo những người bán hàng ở đây thì cảnh tượng trên liên tục và thường xuyên diễn ra trên đoạn đường này. Họ còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về cái "nghề khiêng xe" khá lạ này. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đóng vai người đi đường và "chạy nhầm" lên đường cao tốc. Khi vừa rẽ xuống đường, đột nhiên có mấy người đàn ông đứng ra chặn đường, vẫy chúng tôi lại nói: "Dừng lại đi. Có công an phía trước. Họ gông xe lại đấy!". Khi chúng tôi vừa cho xe dừng thì 4-5 người đàn ông nhanh chóng vây quanh. Một người trông có vẻ bặm trợn nhất trong nhóm nhanh tay rút ngay chìa khóa xe của tôi và nói: "Phía trước không có đường để quay đầu đâu, CSGT đang đứng cách đây mấy trăm mét, chạy lên là họ bắt luôn xe đấy. Thương các chú, để bọn anh giúp khiêng xe qua đây mà về". Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại, một người khác tiếp lời: "Rẻ thôi! Xong việc cứ cho anh em mỗi người cốc nước là được".
Thuyết phục mãi mà chúng tôi vẫn chưa đồng ý, nhóm người trên tỏ vẻ sốt ruột, đi đi lại lại rồi ngồi bắt chân lên hàng rào chắn. Một người trong nhóm còn to tiếng: "Thế bây giờ các chú muốn sang đường mà về nhà cho lành hay nằm luôn ở đây?". Thấy khó tháo lui, chúng tôi đành đồng ý để nhóm người trên "giúp đỡ". Ngay lập tức, nhóm người này xúm lại nâng chiếc xe lên và đưa sang làn đường dành cho xe máy. Sau khi chiếc xe đã được đưa sang bên đường, vẫn người đàn ông vẻ bặm trợn lên tiếng: "Nãy giờ bọn anh mất nhiều thời gian với các chú rồi. Xe đã an toàn, không lo công an phạt, các chú đưa các anh xin hai lít (hai trăm nghìn đồng). Nhanh mà lượn!".
Sau một hồi mặc cả không có tác dụng, chúng tôi đành móc tiền đưa cho nhóm người này. Ngay sau đó, một xe máy khác nữa lại vọt lên đường cao tốc. Nhanh chóng, nhóm người này lao lên đường vẫy xe và những gì họ vừa làm với chúng tôi tiếp tục được lặp lại. Chỉ trong ít phút đứng ở khu vực này, PV đã chứng kiến không ít người lỡ sa chân bị rơi vào "ma trận":  "nhanh", "rẻ", kèm theo đủ những lời dọa nạt ấy.
Trong khi chúng tôi chuẩn bị chạy xe tiếp thì bắt gặp một đôi nam nữ đang đi trên làn đường cấm xe máy. Thấy có người nhắc có CSGT phía trước, chàng trai đánh liều bảo cô gái phụ giúp để tự nâng xe qua. Khi chiếc xe đã qua được phần đầu, thì đột nhiên có mấy người đàn ông chạy đến bám vào và nâng đuôi xe qua. Khi cậu thanh niên còn chưa kịp nói lời cảm ơn mấy người lạ "tốt bụng", thì một người đàn ông béo, lùn, trên mình đầy những hình xăm gớm ghiếc cất giọng: "Cho xin tiền. Mỗi người 20 nghìn". Cậu thanh niên ngơ ngác nhưng biết không thể làm khác nên đành lấy 80.000 đồng đưa cho 4 người này.
Với quyết tâm "mục sở thị" tất cả những chiêu trò của bọn người khiêng xe kia, chúng tôi ngồi uống nước tại một quán ven đường. Trong thời gian thực tế, chúng tôi tận mắt chứng kiến câu chuyện của một bác xe ôm. Bác này vừa nhận chở khách từ trung tâm thành phố ra với tiền công 30.000 đồng nhưng do thiếu quan sát, bác đã đi nhầm vào làn đường cấm. Thế là nhóm người trên lại mang chiêu "CSGT" ra dọa tư vấn khiêng xe giúp xuống đường. Không còn cách nào khác, bác xe ôm đành phải "cắt" 20.000 tiền công chuyên chở ra để trả "phí" khiêng xe cho hai kẻ "bê xe giúp"!.
Thấy chúng tôi nói đến chuyện bị nhóm người trên o ép, một người đi xe máy cũng vừa được "giúp" nói: "Cứ tưởng họ lấy công bằng ly trà đá nên tôi rút tờ 5 nghìn ra nhưng một tên hắng giọng quát: "Ông nghĩ gì mà xem công sức chúng tôi bèo thế. Ít nhất ông cũng phải cho chúng tôi mỗi người 20 nghìn. Bằng không thì... liệu hồn!".
Nhóm người đang khiêng xe sang đường cho một người đi đường với giá 200.000 đồng.
"Cò" khiêng xe chuyên nghiệpTheo tin tức từ các đồng chí CSGT làm nhiệm vụ trên cầu, hàng ngày vẫn còn rất nhiều xe máy chạy trên đường cao tốc. Theo tâm lý chung của nhiều người thì chạy xe trên đường cao tốc nhanh và gần hơn so với chạy dưới làn đường dành cho xe máy. Còn một số khác lại tò mò muốn thử cảm giác được chạy trên đường cao tốc trên cao nên cố tình đi xe vào đường cấm. Hơn nữa, số vi phạm đa phần là người ngoại tỉnh, không để ý đến các biển báo giao thông. Theo đó, những ai vi phạm sẽ bị phạt từ 400.000 đồng trở lên và bị tước giấy phép lái xe 30 ngày. Do vậy, mỗi khi thấy bóng dáng CSGT là họ lại sợ và tìm cách thoát thân. Các đồng chí CSGT cho biết thêm: "Mỗi ngày, chúng tôi xử lý vi phạm tính đến hàng chục chiếc xe máy đi sai làn đường. Vậy mà tình trạng đi xe máy trên cầu vẫn cứ tái diễn".
Điểm qua mặt những nhóm người khiêng xe, chúng tôi thấy có rất nhiều thành phần: Thứ nhất là những tay anh chị xăm trổ đầy mình, sẵn sàng chửi bới, dọa nạt chủ phương tiện. Thứ hai, đó là những đối tượng nghiện ngập, kiếm tiền để phục vụ việc chích, hút. Thứ ba là những người thất nghiệp, trông chờ vào những chiếc xe vi phạm giao thông. Thứ tư nữa là người bán hàng nước bên đường. Đầu tiên họ vẫy gọi rồi dụ dỗ để người đi xe đồng ý nhờ khiêng xe quay lại. Nhóm đối tượng này đã góp phần tạo ra một cái chợ nhỏ trên dọc đoạn đầu đường Pháp Vân. Và sự "vô tình phạm luật giao thông" của người đi đường đã "giúp" những người này có "đất sống".
Kết thúc chuyến "công du" tìm hiểu về "nghề khiêng xe", chúng tôi  cảm thấy ớn lạnh vì cách thức kiếm tiền của nhóm người này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét