Vụ “Lương chưa đủ 50% mức sống tối thiểu”:
Doanh nghiệp cần tính lương trước một bước
TT - Sau khi Viện Công nhân - công đoàn công bố về tình trạng lương thấp và mức sống kham khổ của công nhân, Tuổi Trẻ đã tìm đến các doanh nghiệp mong tìm ra giải pháp.
Vẻ mệt mỏi của một nữ công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) khi chờ rút tiền lương ở một
máy ATM - Ảnh: nguyễn khánh |
* Ông Nguyễn Chánh Phương (giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc, TP.HCM):
Tăng lương làm sản phẩm không thể cạnh tranh
Hiện nay mức lương cơ bản của lao động phổ thông mới vào nghề của công ty ở mức 3-3,2 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, công nhân phải sống rất tiết kiệm mới có thể ổn định cuộc sống.
Mỗi năm chúng tôi thực hiện việc tăng lương đều đặn hai lần vào thời điểm sau tết và khoảng tháng 10 với mức tăng khoảng 10%. Có thể nói việc tăng lương như vậy chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho đời sống lao động hiện nay bởi các chi phí tiêu dùng đang tăng mạnh. Tuy nhiên, việc cạnh tranh giá thành sản phẩm rất khốc liệt, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng, nên việc tăng lương cũng dẫn đến giá thành sản phẩm đội lên rất cao.
* Ông Nguyễn Trí Kiên (giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến):
Cần hiểu đúng lương thực tế
Với những trường hợp lao động từ quê lên làm việc phải trả tiền ở, các chi phí sinh hoạt và phải nuôi sống gia đình thì khó xoay xở với mức lương mà khảo sát đưa ra. Riêng công ty chúng tôi có mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/tháng, mà phần lớn là người địa phương (nhà máy ở Bình Chánh, TP.HCM), không phải trả tiền nhà trọ nên cũng đủ sống.
Tôi không rõ cuộc khảo sát này được lấy mẫu thế nào nhưng cần có số liệu chính xác để có giải pháp phù hợp. Trên thực tế, doanh nghiệp có hai bảng trả lương: lương theo năng suất lao động thực tế và bảng lương để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Và không doanh nghiệp nào trả lương theo cách tính thứ hai mà thường cao hơn nhiều.
* Ông Diệp Thành Kiệt (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN):
Doanh nghiệp luôn ủng hộ nâng cao thu nhập
Riêng ngành da giày, nếu tính theo khu vực 1, lương bình quân thực nhận của người lao động ở mức 4 triệu đồng/tháng, còn doanh nghiệp chi trả thực tế hiện bình quân khoảng 5,32 triệu đồng/tháng. Nếu so với con số của Viện Công nhân - công đoàn công bố có một khoảng cách rất lớn.
Tôi cũng xin khẳng định cộng đồng doanh nghiệp luôn ủng hộ quan điểm ngày càng nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống cho người lao động, tạo sự yên tâm và tích lũy cuộc sống cho họ. Nếu không sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển, khi trụ cột chính là người lao động lại không được chi trả đúng mức sức lao động mà họ đã bỏ ra.
* Ông Trịnh Chí Cường (tổng giám đốc Công ty CP Đại Đồng Tiến):
Lương đủ sống mới giữ được người lao động
Hiện nay, hơn 70% lao động công ty tôi gắn bó với doanh nghiệp trên hai năm, có nhiều người làm việc trên 10 năm. Công việc có thể nuôi sống gia đình, bản thân thì người lao động mới gắn bó lâu như vậy. Thông thường có nhiều cách tăng lương khác nhau như dựa trên năng suất, thâm niên... nhưng doanh nghiệp chúng tôi rất linh hoạt trong việc tăng lương cho công nhân. Ví dụ như trong các năm 2009-2010, chúng tôi điều chỉnh tăng lương đến ba lần vì lạm phát cao, chi tiêu tăng. Doanh nghiệp không nên chờ đến khi người lao động phản ảnh, kêu ca về cuộc sống mới cân nhắc mà cần phải suy nghĩ trước một bước, có như vậy mới đảm bảo cuộc sống cho công nhân của mình và giữ chân được công nhân ở lại làm việc.
* Ông Hồ Xuân Lâm (chánh văn phòng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM):
Điều chỉnh lương để thúc đẩy tiêu dùng
Theo Luật lao động (có hiệu lực vào tháng 5-2013) thì gói lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về đời sống của công nhân và nuôi thêm một người phụ thuộc. Mức lương tối thiểu vùng này phải áp dụng đồng đều và như nhau ở tất cả doanh nghiệp, đó là mức lương để đóng bảo hiểm có bậc lương theo đúng quy định của Luật lao động. Điều này cũng để bảo vệ những người lao động yếu thế trong khi họ không thể mặc cả được tiền lương với giới chủ.
Muốn đảm bảo đời sống cho công nhân buộc phải điều chỉnh lương cho phù hợp và đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người lao động. Điều chỉnh lương sẽ không phải là gánh nặng cho ngân sách Chính phủ mà thật sự là nguồn lực để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và luân chuyển hàng hóa.
|
Đ.DÂN - L.SƠN - T.V.NGHI - N.BÌNH - H.ĐIỆP ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét