Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Khi tôi khai mình là Phật tử


GN - Việc ta khai rằng ta là Phật tử (hình thức) - ghi trên giấy tờ và thật sự ta chính hiệu là một Phật tử đã quy y Tam bảo phải (nên, cần) thống nhất với nhau một cách chặt chẽ. 
Nghĩa là, khi mình kính Phật, trọng Tăng, nương tựa Tam bảo, thực hành giáo lý Phật dạy... thì cái chất Phật tử trong mình có mặt. Chất ấy tạo cho mình ý niệm tự hào, dẫn tới hành động “khai báo” không chút e dè rằng: tôi là Phật tử, tôn giáo của tôi là Phật giáo. 
>> Tín đồ Phật giáo VN chỉ còn 6.802.318 người!
chu tieu thai.jpg
Tự hào mình là đệ tử của Như Lai - Ảnh minh họa


Đồng thời, khi khai như vậy, thì mình phải sống đúng tinh thần người con Phật, nếu không, có thể người ta sẽ nghĩ không đúng về Phật giáo, về đệ tử Phật.
Nói như vậy vì muốn nhấn nhá một điều là, có thể mình lỡ khai tôn giáo: không (vì trước đây chưa hiểu, hay còn lo lắng lung tung gì đó, đại loại là sự nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, chẳng hạn) và bây giờ hiểu rồi, tự hào mình là con Phật, muốn làm lại giấy tờ cho “danh chánh ngôn thuận” thì cứ làm lại, nên làm lại. 
Đó cũng là hành động dành tặng cho mình, sách tấn bản thân phải xứng đáng với “lời khai” đó, cũng như giúp mình thôi áy náy vì sự lo lắng không chánh đáng của mình trước đó, “phản bội” lại niềm tin, gốc rễ tâm linh của mình khi khai báo trong giấy tờ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cách mình sống mỗi ngày, từ ý-khẩu-thân, phải đúng theo lời Phật dạy. Và đó mới là “lý lịch” không thể chối cãi mà dẫu mình không khai mình là Phật tử thì họ cũng nhận ra ngay thôi. Chính vì thế mà hầu hết người Việt mình đều nghĩ mình là đạo Phật đó!
Thị Hiền

Tín đồ Phật giáo Việt Nam chỉ còn 6.802.318 người!


GN - Điều làm nhiều người giật mình là số liệu người theo đạo Phật tại Việt Nam từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số công bố vào năm 2010 đã cho thấy số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam giảm đến mức chưa từng thấy: 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số!
Quan tâm, nghiên cứu, tự thực hiện và sử dụng các số liệu thống kê liên hệ đến tôn giáo là một yêu cầu của hoạt động tôn giáo hiện đại. Rất tiếc, Phật giáo chúng ta đã chưa làm được điều này như các tôn giáo khác. Điều đó chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động hoằng pháp cũng như các hoạt động Phật sự khác của Phật giáo.
4.jpg
Số liệu thống kê đáng quan ngại trên liệu có chính xác, khi nhìn chung sinh hoạt Phật giáo
khởi sắc từ Bắc vào Nam những năm gần đây?
Nhưng sẽ càng đáng tiếc hơn nữa nếu bỏ qua những số liệu mà các cơ quan có thẩm quyền về thống kê, điều tra xã hội học thực hiện. Chúng tôi muốn nói đến số liệu tín đồ Phật giáo do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số thực hiện trong cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 được nhiều tài liệu nghiên cứu mới dẫn lại. Điều rất tiếc là số liệu của cuộc tổng điều tra này không được giới Phật giáo quan tâm. Các cây bút Phật giáo hầu như đều sử dụng các nguồn số liệu tín đồ Phật giáo khác đã cũ, không có tính cách chính thức. Trong rất nhiều số liệu về tín đồ Phật giáo tại Việt Nam, con số thấp nhất chỉ dừng lại ở mức khoảng 10 triệu người.
Thế nhưng, điều giật mình là số liệu người theo đạo Phật tại Việt Nam từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số công bố vào năm 2010 đã cho thấy số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam giảm đến mức chưa từng thấy: 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số. Như vậy là giảm đến 1/3 so với con số thấp nhất trước đây, vào khoảng 10 triệu.
Số liệu thống kê đáng quan ngại trên liệu có chính xác, khi nhìn chung sinh hoạt Phật giáo khởi sắc từ Bắc vào Nam những năm gần đây? Chắc chắn sẽ có nghi vấn như thế nêu ra. Thế nhưng, chúng ta còn có cuộc điều tra dân số nào khác để căn cứ vào đó? Tầm vóc, vai trò, quy mô của cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 là một thực tế khách quan. Không lẽ gì Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số thiếu công bằng khi điều tra số liệu tín đồ Phật giáo? Hiện nay, năm 2009, bối cảnh tự do tôn giáo đâu có thể làm người dân kê khai thiếu trung thực về tôn giáo của mình như những năm 1979, 1989. Số liệu do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số về số lượng tín đồ các tôn giáo khác không sai biệt lớn so với số liệu do chính các tôn giáo đó thống kê và công bố.
Nếu có một sai số nào đó, thì chỉ có thể trong khoảng vài triệu người: 10 - 20%. Nếu có thêm vào số liệu đã có ước đoán như thế để vớt vát, thì con số cuối cùng vẫn cho thấy tín đồ Phật giáo Việt Nam đã giảm và đang trong tiến trình giảm. Đó là một kết luận mà chúng ta phải chấp nhận.
Phật giáo chúng ta phải đối mặt với vấn đề để tìm cách và có cách mà giải quyết. Nếu cứ bằng lòng, an tâm với con số 50%, 60%, 70%... người Việt Nam theo đạo Phật, thì đến cuộc tổng điều tra dân số sau, số liệu thực tế sẽ thấp hơn nữa, cay đắng hơn nữa, đau lòng hơn nữa.
Đạo Phật là đạo của sự thật, của chân chánh. Người con Phật không thể bỏ qua sự thật, ngoảnh mặt, bưng tay trước sự thật.
Sự thật là Phật giáo Việt Nam đang giảm sút tín đồ và mức giảm sút đã đến mức chưa từng thấy. Phật giáo Việt Nam đang đi vào một khúc quanh quan trọng. Đó là giai đoạn Phật giáo mất vị trí tôn giáo đa số tại Việt Nam. Số lượng tín đồ đã xấp xỉ mức Cơ Đốc giáo (hay Ki-tô giáo, một khái niệm gộp chung những giáo phái Thiên Chúa giáo). Nếu không có giải pháp tích cực, xu hướng giảm thiểu tiếp tục diễn tiến, thì trong lần tổng điều tra dân số sau, kết cục không thể tránh khỏi là Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số tại Việt Nam.
Như vậy, nói Tăng Ni Phật tử Việt Nam đang ở một khúc quanh lịch sử và chịu trách nhiệm nặng nề về vai trò, vị trí của Phật giáo Việt Nam mai hậu là việc không hề cường điệu một chút nào. Đây là những thời khắc quyết định. Có giữ được vị trí Phật giáo như là tôn giáo lớn nhất của dân tộc như truyền thống gần 2.000 năm qua hay không, hoặc chấp nhận Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở đất nước mình, tất cả tùy thuộc vào Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hôm nay.
7.JPG
Người Phật tử cần tự hào và ý thức khi đặt bút khai vào lý lịch của mình
Dù gì đi nữa, thì tu sĩ và tín đồ của một tôn giáo lại có thể khoanh tay làm ngơ trước tình trạng thiểu số hóa của tôn giáo mình. Điều đó là không thể chấp nhận đối với mọi tôn giáo, huống nữa là Phật giáo, tôn giáo đòi hỏi người hành trì song song với “tự giác” phải có trách nhiệm vụ “giác tha” thì mới có thể đạt được cứu cánh.
Giác tha là hóa độ mọi người nhận thức và thực hành theo con đường thiện lành mà Đức Phật đã hướng dẫn. Hiện trạng như đã dẫn ra với số liệu dẫn trên cũng gián tiếp nói rằng, nhìn chung, hiện trạng hành đạo, tu tập của Phật tử tại Việt Nam có vấn đề, dẫn tới việc giảm thiểu đối tượng “giác tha”. Không lẽ gì khi đã được giác ngộ đạo Phật mà người ta lại khước từ việc nhìn nhận mình theo đạo Phật.
Do đó, trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn nghĩ rằng 80%, 70% người Việt Nam theo đạo Phật là không thể phù hợp. Chúng ta không thể nói người ta theo đạo Phật trong khi người ta đặt bút viết rằng “không”!
Chúng tôi nghĩ đây là giờ phút Tăng Ni, Phật tử Việt Nam phải bừng tỉnh. Chúng ta vẫn còn một ít khả năng để xoay chuyển tình hình, bảo tồn vị trí mà tổ tiên đã truyền lại qua hàng ngàn năm lịch sử. Ngồi yên, buông xuôi, bỏ mặc là chúng ta không có trách nhiệm với cha ông và các thế hệ sau. Để rồi khi con số điều tra dân số mới phũ phàng hiện ra thì thời khắc quyết định đã qua, tình trạng sẽ là bi đát hơn nhiều.
Liệt vị tôn đức tiền bối hữu công đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo mấy mươi năm trước, liệu các ngài thế nào khi biết rằng, chưa đến nửa thế kỷ sau đó, số liệu tín đồ Phật giáo kê khai trong một cuộc điều tra quốc gia chỉ còn là khoảng trên 6 triệu người trên tổng số người Việt hơn 85 triệu người.
Con số là một lẽ, nhưng điều quan trọng hơn là việc trả lời câu hỏi, diễn tiến số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam là tăng hay giảm. Người ta đã kê khai chính thức rành rành như thế thì hôm nay, chúng ta cáo bạch như thế nào với anh linh liệt vị tiền bối Phật giáo Việt Nam.
Thời gian không chờ đợi chúng ta. Vấn đề hết sức cấp bách khi chúng ta đang xác định ở một khúc quanh lịch sử. Mười năm trước vẫn còn có nhiều người không chấp nhận con số 10 triệu tín đồ Phật giáo, thì 10 năm sau con số đó đã chỉ còn hơn 6 triệu. Thế thì, 10 năm sau nữa thì sao?
Không lẽ người Phật tử hôm nay sẽ là những người chứng kiến việc xác định nước Việt Nam có tôn giáo đa số đã là một tôn giáo khác không phải Phật giáo?
Đạo Phật là một tôn giáo không cạnh tranh. Nhưng đạo Phật cũng là một tôn giáo kêu gọi người tu hành trong đạo phải “giác tha”. Thịnh suy của đạo Phật tuy biết rằng “như hạt sương trên đầu ngọn cỏ”, “không nên sợ hãi” (ý thơ của Thiền sư Vạn Hạnh), nhưng chúng ta còn có trách nhiệm. Chúng ta không lo sợ trước nghiệp vận, nhưng đối với đạo Phật, chúng ta vẫn là người chủ nghiệp vận. Trong khúc quanh thịnh suy này của Phật giáo, trách nhiệm của Tăng Ni, Phật tử, những người còn chính thức kê khai mình theo đạo Phật, là hết sức nặng nề.
Con cháu mai hậu sẽ nhìn vào chúng ta trong thời điểm hiện nay, đúng vào lúc những con số đáng quan tâm, chưa từng có được ghi nhận. Cha anh chúng ta đã làm gì để còn có một nước Việt Nam có số đông người theo đạo Phật, hay ngậm ngùi sửa lại mục tôn giáo trong các quyển sách giáo khoa địa lý, từ điển bách khoa, Atlas… như đã phải làm đối với Hàn Quốc.
Đây là việc lớn, không thể xem thường một số liệu thống kê từ một cuộc điều tra quốc gia như vậy. Rất mong Giáo hội, quý Tăng Ni, Phật tử cùng nhau lưu ý với ghi nhận quan tâm xem đó là vấn đề mà tích cực tìm hướng giải quyết. Hoằng pháp nên được coi là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh như thế.
Minh Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét