Cảnh sát Boston không biết gì về cảnh báo của Nga
(VOV) - Cảnh sát Boston cho rằng, FBI cũng không tìm thấy dấu hiệu tội phạm nên mới bỏ qua cảnh báo của Nga.
FBI đã không thông báo cho cảnh sát Boston cảnh báo của Nga trong năm 2011 về Tamerlan Tsarnaev, một trong hai anh em bị buộc tội thực hiện các vụ đánh bom ở giải Marathon Boston, cảnh sát trưởng Boston ngày 9/5 cho biết như vậy trong buổi điều trần công khai đầu tiên trước Quốc hội về vụ đánh bom hôm 15/4.
Cảnh sát Boston và FBI đổ lỗi cho nhau khi để xảy ra vụ đánh bom Boston hôm 15/4 (Ảnh: Press TV) |
Ủy viên cảnh sát Boston, Edward Davis, nói rằng, mặc dù một số nhân viên của mình có làm việc chung với FBI trong một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố, nhưng họ không biết gì về cảnh báo của Nga cũng như yêu cầu điều tra sau đó có liên quan đến một cuộc đối thoại giữa Tsarnaev và cha mẹ.
“Nếu chúng tôi được biết về cảnh báo này, rằng Tsarnaev đã có ý định đi du lịch đến Nga để kết nối với các nhóm hoạt động ngầm, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét đầy đủ", Davis nói với Ủy ban An ninh Nội địa.
Ông cũng lưu ý rằng FBI không tìm thấy dấu hiệu tội phạm nên đã không để tâm đến vụ này. Ông cũng nói rằng, ông không biết liệu nhân viên FBI có kết luận khác không. Tuy nhiên trong trường hợp này, các nhân viên của ông có thể đã đi đến một kết luận khác về trường hợp của Tsarnaev.
Davis cho biết, ông nhận thức rõ về mức độ nhạy cảm của thông tin tình báo từ các nước khác. "Tuy nhiên, khi thông tin có ảnh hưởng đến sự an toàn của cả cộng đồng, tôi cần phải nắm rõ", ông nói.
Trong một tuyên bố hôm 9/5, FBI cho biết, trong đội hình tiến hành phân tích các thông tin về Tsarnaev năm 2011 có cả người của Cục Cảnh sát Boston, do vậy họ có thể dễ dàng đọc những thông tin về đối tượng này trong phần cơ sở dữ liệu dành cho toàn bộ thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố chung.
Tuyên bố này cũng lưu ý rằng các lực lượng đặc nhiệm Boston phải tiến hành khoảng 1.000 đánh giá trong năm 2011, một khối lượng công việc khá lớn khiến các thành viên khó có sự đánh giá đầy đủ. Thêm vào đó, Tsarnaev sống ở Cambridge chứ không phải ở Boston.
Đại diện cho Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa, Michael McCaul, một cựu công tố viên chống khủng bố liên bang, cho biết, ông lo ngại rằng việc thông tin không được chia sẻ giữa các cơ quan và sự đổ lỗi cho nhau đã dẫn đến sự thất bại trong việc ngăn chặn xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Kết luận này có thể cũng đúng cho các vụ đánh bom Boston.
“Chúng tôi đã thấm thía bài học để lại từ hơn một thập kỷ trước khi không kết nối các chi tiết của vụ việc. Và các nghi phạm đánh bom Boston đã thành công do lỗi trong hệ thống an ninh của chúng ta. Đáng ra chúng ta đã và có thể làm tốt hơn”, NY Times dẫn lời Mc Caul./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét