Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Borobudur: Ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới


GNO - Làn sóng Phật giáo từ Ấn Độ lan rộng đến Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ đầu tiên, kéo dài nhiều thế kỷ và đã ảnh hưởng đến nhiều nước ở đây, với rất nhiều đền chùa và bảo tháp được dựng lên.
Kiến trúc nhìn từ tổng thể.jpg
Kiến trúc tổng thể của ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới
Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới, cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa, và thể hiện rõ nét nhất là ở miền Trung Java, dưới sự bảo trợ của các nhà cai trị thuộc triều đại Sailendra vào thời điểm đó. Một trong những di sản của họ là một ngôi đền Phật giáo vĩ đại tại Borobudur gần Yogyakarta.
Mặc dù không có hồ sơ bằng văn bản về năm tháng và mục đích xây dựng, nhưng từ một nghiên cứu về các tấm chạm khắc nổi và các bản khắc của ngôi đền được phát hiện trong một cuộc khai quật, đã cho thấy cấu trúc này thực sự được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 9 bởi các vị vua của triều đại Sailendra. Điều hấp dẫn về cấu trúc này là nó đã được xây dựng để trở thành một ngôi chùa hay là một bảo tháp?
Trong khi chùa chiền chủ yếu là nơi để thờ phượng và thường xuyên lui tới bởi khách hành hương, thì bảo tháp lại là một cấu trúc khép kín, nơi tôn trí xá lợi Phật, thường được lưu giữ trong một hòm nhỏ nằm dưới nền móng. Công trình Borobudur, như nó đã được giải thích, vừa là một ngôi chùa và là một bảo tháp. Được xây dựng với hình dạng của một bảo tháp với một số lượng lớn các bảo tháp thu nhỏ xung quanh, nó cũng là một ngôi chùa với các cầu thang và hành lang, những hốc tường, vách tường và những thánh tượng.
Khu vực mà ngôi đền đứng ngày nay được bảo vệ bởi hai ngọn núi lửa đôi, một bên là Sumbing và Sundoro và một bên là Merapi, thi thoảng vẫn phun trào. Cao nguyên nằm giữa các ngọn núi lửa này được gọi là Kedu Plains không những được làm giàu bằng tro núi lửa mà còn được bồi đắp bởi 2 con sông Progo và Elo cùng với một hồ nước, làm cho nó trở thành một vùng cao nguyên màu mỡ biệt danh là "Khu vườn của Java".
Nơi đây được coi là thiêng liêng đối với các Phật tử, những người đã quyết định xây dựng một bảo tháp lớn trên một gò đất cao để tượng trưng cho hình tượng hoa sen. Khoảng năm 750 Borobudur bắt đầu được xây dựng. Quá trình xây dựng cấu trúc cao chót vót đã được lên kế hoạch tỉ mỉ và đã tiếp tục trong vòng 75 năm và đạt đến đỉnh điểm vào năm 825 dưới thời vua Samaratungga.
Tháp là một cấu trúc khổng lồ, được xây dựng trên một nền móng hình vuông lớn gần 122 mét mỗi bên. Có 9 bậc chồng chất lên nhau, 6 bậc đầu đầu tiên là hình vuông và 3 bậc trên cùng là hình vòng tròn. Toàn bộ cấu trúc được xây dựng theo cách trên nhằm tượng trưng cho các cấp độ mà con người phải trải qua để đạt được sự thanh khiết và sự cứu rỗi. Bậc đầu tiên nằm ngay nền móng đại diện choKamadhatu (Dục giới - thế giới của những ham muốn), 5 bậc tiếp theo là Rupadhatu (Sắc giới - thế giới của các hình thức).
Ba bậc hình tròn và bảo tháp trên đỉnh ngôi đền tượng trưng cho Arupadhatu (Vô sắc giới - thế giới không hình tướng). Các bậc nền móng ban đầu bị ẩn khuất và mới được phát hiện vào năm 1885 và vì thế được gọi là “nền ẩn”. Nơi đây đã tìm thấy 160 hình tượng kể lại ý nghĩa ở cõi Kamadhatu. Ở các bậc cao hơn là những bức chạm nổi tinh xảo, trong đó mô tả các sự kiện từ cuộc sống của người bình dân, các vị vua và hoàng hậu cho đến các Càn-thát-bà và các nữ thần Apsara.
Ở cấp độ tiếp theo của Arupadhatu, thế giới không hình tướng, không có các hình tượng cũng như không có trang trí.
Có 2.672 tấm chạm khắc nổi và 504 vị Phật bên cạnh vô số các hình ảnh. Một mê cung các cầu thang và hành lang dẫn đến các con đường lên đến đỉnh tháp, bị chi phối bởi một bảo tháp lớn bao quanh bởi 75 bảo tháp nhỏ hơn. Các bảo tháp có khe hở dạng lưới hình chuông, với bức tượng một vị Phật ngồi bên trong, trong tư thế hoa sen. Nhưng bảo tháp chính thì lại trống rỗng.
Đến thế kỷ 11, khi Phật giáo đã suy yếu và thủ đô được dời về phía đông, có lẽ là để thoát khỏi các đợt phun trào lặp đi lặp lại của núi lửa, Borobudur đã đi vào lãng quên. Nó bị chôn vùi theo thời gian nhiều thế kỷ dưới một đống tro và chỉ được tái phát hiện vào thế kỷ 19.
Sự vẻ vang trong việc mang Borobudur trở lại với nguồn tri thức thế giới chắc hẳn thuộc về Sir Thomas Stamford Raffles, sau này trở thành Toàn quyền Anh. Sau nhiều thập kỷ phục hồi lặp đi lặp lại, UNESCO đã mang đến một sự hỗ trợ tuyệt vời trong một cuộc trùng tu lớn toàn bộ cấu trúc, cuối cùng đã tuyên bố Borobudur là Di sản Thế giới vào năm 1991.
Gần đây nhất là vào tháng 6 năm nay, di tích cổ này cũng đã được lọt vào sách kỷ lục thế giới là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất trên thế giới.
Văn Công Hưng (Theo Deccan Herald)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét