GN - HT.Thích Chơn Thành, Trưởng BTS THPG tỉnh Bình Thuận, trong phần trao đổi với PV Giác Ngộ đã nhắc đến những rắc rối của PG tỉnh nhà, nhưng với quyết tâm của toàn Ban, đã giải quyết rốt ráo, ổn định các vấn đề và chuẩn bị mọi công tác cho Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017…
Chùa Phật Ân - Văn phòng BTS THPG tỉnh Bình Thuận - Ảnh: P.Châu |
Kiên quyết trong nội bộ
Theo chư tôn đức lãnh đạo BTS, vụ việc nổi cộm mà nhiệm kỳ qua BTS đã tiến hành giải quyết trong công tác quản lý Tăng Ni.
BTS đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của TƯGH, có những xử lý kiên quyết đối với các trường hợp cá nhân cư trú trên địa bàn tỉnh đi ngược lại chủ trương của GHPGVN.
Vụ việc liên quan tới chùa Quảng Đức (thị xã Lagi) xảy ra bất ổn, mất đoàn kết từ ngày 25-1-2010. Sự vụ này cũng được chư tôn đức Văn phòng II HĐTS, Ban Tăng sự T.Ư và BTS PG tỉnh phối hợp giải quyết vào ngày 25-4-2012. Kết quả là hiện nay chùa Quảng Đức đã được BTS PG tỉnh ra quyết định bổ nhiệm trụ trì xong và đã được ổn định.
Trong việc thực hiện nghiêm các nội quy, quy chế liên quan tới tẩn xuất Tăng sĩ thì trong nhiệm kỳ qua, theo đề nghị của Ban Tăng sự THPG, BTS đã ban hành quyết định tẩn xuất 3 tu sĩ (2 vị Đại đức và 1 Sư cô) có những hành động làm thương tổn thanh danh Giáo hội.
HT.Thích Chơn Thành cho rằng, những vụ việc này ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động của toàn Ban, nhưng với sự kiên quyết, nghiêm túc của BTS cũng như sự chỉ đạo xuyên suốt của T.Ư GHPGVN nên cơ bản đã giải quyết, ổn định dần sinh hoạt Tăng đoàn, Giáo hội… Những vụ việc này cũng là bài học để Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà rút kinh nghiệm hầu tránh những sai lệch trong đường lối, chủ trương chung của Giáo hội cũng như đi ngược lại quy định của luật pháp Việt Nam.
Những kết quả đáng mừng
Ngoài những sự vụ đó thì PG Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, “nhìn chung, mọi hoạt động đều tốt”, Hòa thượng Trưởng ban nhận định. Cụ thể, năm 2009, BTS đã thực hiện xong 10 khuôn dấu cho 10 BĐD sử dụng kể từ ngày 22-4 và 231 khuôn dấu cho các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường kể từ đầu tháng 7 tới 25-7. Cũng trong năm 2009, Ban đã tổ chức lễ đặt đá xây dựng Khu di tích bảo tháp cố ĐĐ.Thích Nguyên Hương vị pháp thiêu thân, tổ chức lễ ra mắt Phân ban Đặc trách Ni giới.
Năm 2010, Thường trực BTS cùng Ban Văn hóa tổ chức Lễ cung nghinh xá-lợi Phật và Thánh tăng từ Tòng Lâm Vạn Thiện về Văn phòng BTS (chùa Phật Ân, TP.Phan Thiết) và trao tặng tới 120 tự viện, mỗi chùa đều nhận được bảo tháp tôn trí xá-lợi để thờ cúng.
Về hoạt động của từng ban, trong đó, Ban Tăng sự đã thống kê tình hình Tăng Ni, tự viện trong toàn tỉnh (tính đến ngày 30-6-2012) với con số 596 Tăng Ni các tông môn, hệ phái và 257 cơ sở tự viện. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận Tăng Ni cho 105 vị, bổ nhiệm trụ trì cho 71 vị, chuẩn y 28 Ban hộ tự. Ban cũng tổ chức an cư thường niên với trên 10 điểm trường hạ tại các địa phương. Tại các điểm an cư đều kết hợp tổ chức tu Bát quan trai cho Phật tử tại gia. Bên cạnh đó, còn tổ chức bồi dưỡng trụ trì với tổng số 146 Tăng Ni tham gia.
Ban Giáo dục Tăng Ni đã tổ chức nhiều buổi học, hội nghị, hội thảo về Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, phổ biến pháp luật cho chức sắc tôn giáo, cử người đi bồi dưỡng giáo dục sư phạm do TƯGH tổ chức. Riêng, Trường TCPH tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng công tác đào tạo để mỗi Tăng Ni ra trường đều có đủ trình độ Phật học để học lên các bậc cao hơn cũng như làm việc tại bổn tự, địa phương của mình. Theo HT.Thích Chơn Thành thì tất cả Tăng Ni tốt nghiệp tại trường đều được bố trí làm việc, cho đi học và học về đều được bố trí công tác theo sở nguyện của các vị. Như vậy, trong suốt 20 năm thành lập (từ năm 1992 với danh xưng Trường Cơ bản Phật học), nhà trường đã triển khai liên tục được 7 khóa, hiện đang duy trì khóa VII với 71 Tăng Ni sinh theo học.
Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 67 đạo tràng Phật tử tu học với nhiều hình thức như niệm Phật, tụng kinh Pháp hoa, kinh Dược Sư… Công tác chăm lo hoằng pháp cho giới trẻ cũng được Ban Hướng dẫn Phật tử coi trọng. Hàng năm, đều tổ khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên tại Bình Quang Ni tự, quy tụ trên 300 em tham dự. Hội thảo góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội cũng được tiến hành từ sớm…
Tỉnh Bình Thuận có 36 đơn vị GĐPTVN đăng ký sinh hoạt với Giáo hội với gần 350 huynh trưởng và trên 2.600 đoàn sinh. Những hoạt động thường xuyên của GĐPTVN có trại Lộc Uyển, trại A Dục, trại Vạn Hạnh, mở khóa bậc Định, bậc Lực…
Ban Văn hóa THPG tỉnh Bình Thuận, theo đánh giá chung của chư tôn đức BTS thì hoạt động khá tốt. Các Đại lễ Phật đản, Vu lan, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông… đều có sự phối hợp nhịp nhàng với Ban Nghi lễ vì thế đã để lại dấu ấn trong lòng Tăng Ni, Phật tử, du khách tham dự. Trong công tác sưu tầm, biên soạn, đã sưu tầm tiểu sử và mộ tháp của chư Tổ, chư Hòa thượng của tỉnh từ thế kỷ XIX đến nay và các ngôi chùa cổ như tổ đình Cổ Thạch, tổ đình Linh Sơn Trường Thọ, tổ đình Linh Sơn Long Đoàn… Đặc biệt, đã cung cấp cho THPG TP.HCM tiểu sử của HT.Thích Phước Nhàn và HT.Thích Thanh Từ đưa vào Danh tăng Việt Nam (tập 1). Nổi bật nhất của Ban Văn hóa là hoàn tất được tập Lược sử Phật giáo tỉnh Bình Thuận, in ấn có tư liệu cùng hình ảnh minh họa giá trị…
Trong công tác từ thiện xã hội, nhiệm kỳ qua đã thực hiện các công tác như cứu trợ nghèo đói, thiên tai, giúp đỡ người già nghèo khó, trẻ em mồ côi, khuyết tật, học giỏi… với tổng kinh phí thực hiện trên 43,1 tỷ đồng…
Chúc Thiệu
HT.Thích Chơn Thành, Trưởng BTS THPG tỉnh Bình Thuận:
Củng cố các ban, ngành trong nhiệm kỳ mới
Với những gì đã đạt được, cho thấy nó là kết quả của tập thể hòa hợp, được sự hỗ trợ tích cực của địa phương, trung ương các cấp, từ chánh quyền đến nội bộ Giáo hội. Do vậy, những cá nhân nào chỉ muốn lợi ích cá nhân, không cùng hướng nhìn với tập thể thì chắc chắn sẽ là rào cản cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, nói điều này vì trong nội bộ Phật giáo Bình Thuận chưa hẳn đã thông suốt, nhất là trong công tác nhân sự Đại hội kỳ này vẫn còn nhiều rối rắm xuất phát từ cá nhân mà ra. Tuy nhiên, sau Đại hội, BTS sẽ dần củng cố các ban, ngành về nhân sự, đảm bảo yếu tố hòa hợp, năng lực làm việc, sức khỏe… để đưa Phật giáo đi lên. Chúng tôi cũng hết sức quan tâm tới vấn đề trẻ hóa nhân sự với ước mong người trẻ sẽ xông xáo trong việc đóng góp sức mình cho công tác Phật sự tại tỉnh nhà. Bên cạnh đó, nhận thấy việc quản lý Tăng Ni, tự viện thời gian qua chưa thật chặt chẽ nên có tình trạng một số ít Tăng Ni, Phật tử không chấp hành chủ trương của Giáo hội, cá biệt, có Tăng Ni muốn thoát ly ra khỏi sự quản lý của Giáo hội. Từ thực tế này, chúng tôi định hướng sẽ kết hợp chặt chẽ hơn với BĐD các huyện, thị cũng như cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh trong thời gian tới (nếu có). Trong nhiệm kỳ mới, BTS tỉnh cũng sẽ tiếp tục các công việc còn dang dở, có thể sẽ tổ chức một Đại giới đàn, xem xét việc địa phương xin thành lập cơ sở tôn giáo mới, lên kế hoạch nâng cấp Trường TCPH thành Trường Cao đẳng Phật học, thành lập một Ban Giảng sư cho THPG với tiêu chí sử dụng Tăng Ni sinh tốt nghiệp ngành hoằng pháp…
An Lạc ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét