Quốc hội thông qua chỉ tiêu GDP năm 2013 tăng 5,5%
TTO - Sáng 8-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với tỉ lệ phiếu thuận 91,77% (457/459 đại biểu biểu quyết).
Đóng gói ớt xuất khẩu tại Công ty Rồng Đỏ (TP.HCM) - Ảnh minh họa của Trần Mạnh
|
Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn nghị quyết, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nội dung quan trọng: mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013.
Đa số đại biểu tán thành với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2013. Trong đó nhóm các chỉ tiêu về kinh tế: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% so với năm 2012; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng khoảng 10% (đạt khoảng 124,3 tỉ USD) so với năm 2012; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 8%; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 4,8%; tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP khoảng 30%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%.
|
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, một trong những lưu ý của Ủy ban Kinh tế là: cần điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý, thực hiện nguyên tắc quản lý giá thị trường đi đôi với kiểm soát mặt bằng giá, tăng cường công tác quản lý giá, đăng ký giá, kê khai giá, nhất là công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá.
Cũng tại báo cáo thẩm tra trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ mặt bằng lãi suất hợp lý theo diễn biến kiểm soát lạm phát; khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên các chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục các giải pháp giảm nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn thành các công trình nhưng vốn ngân sách chưa thanh toán.
QUỐC THANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét