Lần đầu tiên hơn 30 cổ vật được Thủ tướng ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Những báu vật không chỉ có giá trị lịch sử mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện bí ẩn về thời đại, về những nhân vật lịch sử.
Cây đèn hình người qùy biểu tượng lòng tôn kính thần thánh và tín ngưỡng về sự bất tử. |
Trong số bảo vật quốc gia, cây đèn hình người quỳ thể hiện những nét đẹp văn hóa cổ xưa của người Việt trong mối bang giao với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Hán.
Khi một trong những già làng ra đi cách đây 2000 năm, hài cốt của ông được yên nghỉ trong khu mộ tại Lạch Trường trên bờ biển Đông, mang theo sang thế giới bên kia những bí mật. Bí mật đó bị chôn vùi dưới lòng đất Thanh Hóa hơn 2000 năm. Vào một ngày đẹp trời năm 1935, chiếc xẻng của nhà khảo cổ O. Janse đã tìm thấy cây đèn hình người quỳ giải mã được những bí mật về ngôi mộ của già làng vô danh nọ.
Nhà khảo cổ học người Thụy Điển, ông O. Janse, sang Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước với tư cách là cộng sự của Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp. Trong chuyến rong ruổi về Lạch Chay (Thanh Hóa) tìm kiếm và khai quật nhiều ngôi mộ cổ ở đây, ông đã phát hiện ra bảo vật này và mang về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Hiện nay nó đang được lưu giữ và trưng bày tại hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Ngôi mộ này được làm bằng gạch, nằm theo hướng Bắc – Nam. Bên ngoài mộ “lối vào” được chắn bởi một bức tường cao bằng đá (thần gác cổng Hermes). Đây là ngôi mộ đầu tiên từ thời Hán chưa bị xâm hại. Sau khi đào cẩn thận, họ phát hiện ra rất nhiều bát sành bóng còn nguyên vẹn, phần lớn màu trắng, được nung già lửa.
Nhưng phát hiện quan trọng nhất trong khu mộ cổ này, ngay ở giữa hầm thờ và hầm mộ trung tâm là một vật kim loại, đã bị gỉ và cát bao bọc, khi được làm sạch thì đó là một bức tượng đồng hiếm có. Đó là một cây đèn hình người quỳ. Với những đồ vật được khai quật ở đây theo O. Janse người trong hầm mộ này dù là người phương Tây thì cũng chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Trung Hoa, đặc biệt là Lão tử.
Theo giáo sư O. Janse, cây đèn hình người quỳ chứa đựng những bí ẩn của lịch sử. Đó là độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu vào cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn cao 35 cm.
Trong cuốn sách Bí mật cây đèn hình người, giáo sư O. Janse viết: “Bộ sưu tập này được nhiều người quan tâm, bởi lẽ đây là những cổ vật hiếm hoi và nó không chôn theo kiểu chôn đồ tế lễ dưới thời Hán. Cho đến nay, nhiều người đã nghiên cứu để có thể lý giải về nhóm đồ vật hiếm hoi này bên cạnh những đồ vật của Trung Hoa. Nhưng chưa có một lời giải thích nào thỏa mãn”.
Theo khẳng định của ông, nhân vật chính trong tượng hình người quỳ không phải là người Trung Hoa, nó mang dáng dấp bí ẩn của khu vực Viễn Đông và rất tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại. Cây đèn thể hiện hình tượng một người đàn ông mình trần đóng khố tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn với nụ cười bí ẩn. Đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng được gắn với cành chữ S, mỗi cành chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo.
Theo lý giải của ông Janse thì nhân vật chính của cây đèn hình người quỳ này thiếu đi tất cả đặc điểm của người Trung Hoa. Và cây đèn hình người quỳ sẽ phải tìm lời giải thích trong khu vực Viễn Đông chứ không phải Trung Hoa. Từ mái tóc hình xoáy ốc, một đặc điểm của Phật Buddha của Ấn Độ, xung quanh trán là viền khăn, với nền văn hóa Địa Trung Hải, đây là dấu hiệu của một bậc vương giả… Hình trên cánh tay được đeo bằng những trang sức đẹp. Hai vai và vòng ngực được trang trí bằng chuỗi hoa sen…
Mặc dù người đàn ông được tạo ra ở tư thế quỳ, nhưng đây không phải là người hầu hạ, đầy tớ hoặc một người thấp hèn. Vương miện ở trên đầu và những vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thánh (trong Thần thoại Hy Lạp, những vị thần hoàng được mô tả ở tư thế quỳ).
Bức tượng này đã bị ăn mòn khá nhiều, nên không thể chắc chắn khẳng định diện mạo của các nhạc công. Những cành cây hình chữ S độc đáo mà cây đèn hình người cõng trên lưng là rất tự nhiên và được sử dụng khá nhiều trong bài trí của người xưa.
Cây đèn thể hiện một nền văn hóa cổ Hy Lạp chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo thần bí, thể hiện sự giao thoa văn hóa của thời kỳ Đông Sơn. Trong các tôn giáo thần bí phương Đông, trong các hoạt động tế lễ vào ban đêm thì ánh sáng đóng một vai trò cơ bản. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn chứa đựng nội dung thiêng liêng, thần thánh. Ánh sáng phát ra từ cây đèn hình người được nhìn nhận như hào quang chói lọi. Và ánh hào quang đó sẽ đưa lại cho con người lòng tôn kính thần thánh và tín ngưỡng về sự bất tử.
Theo giáo sư Janes thì những chiếc đèn trên bức tượng này có thể được xem là thờ thánh trong sự luân hồi của tạo hóa. Nhân vật chính trong cây đèn hình người quỳ thể hiện nhân sinh quan của người xưa, đó là sư tái hiện của nhân vật qúa cố, chịu ảnh hưởng hoặc có thể tái hiện vai trò của thánh Dionysos.
Với những hình ảnh phong phú như cành, đèn bát rượu thể hiện một điểm nhấn tôn giáo: sự tái hiện của ông thánh, bà thánh, với sự trầm luân của con người cũng như suy tư trong hành trình chọn đường đi. Nụ cười của cây đèn hình người minh chứng cho sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, về sự tái hiện giá trị tâm linh của con người mà hàng bao thiên niên kỷ nay không làm phai nhạt niềm tin và hy vọng.
Có thể nói, văn hóa Ấn Độ đã xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á cùng với những cuộc di cư của nhiều người Ấn Độ vào thế kỷ đầu sau Công Nguyên. Những đĩa đèn được gắn trên cành rõ ràng là mang tính biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa đó.
Trong số các bảo vật quốc gia, bức tượng Phật A- di – đà ở chùa Phật Tích là một tuyệt tác điêu khắc thời Lý cũng mang một số phận của lịch sử. Theo truyền thuyết, dưới chân núi chùa Phật Tích tọa lạc một tòa tháp cổ rất lớn. Khi tòa tháp bị đổ, chỉ còn lại vết tích pho tượng Phật bằng đá.
Nhiều người nhầm tưởng pho tượng đã bị Pháp hủy hoại trong chiến tranh. Người dân ở đây kể lại, trong chiến tranh, bọn Pháp dùng tượng làm bia đỡ đạn. Sau đó một cụ già trong làng đã đem đầu tượng về giấu. Hòa bình, cụ đem đầu tượng nộp lại cho chính quyền và gắn vào cho đến ngày nay.
Theo sử gia Trần Trọng Kim thì đây là tượng Phật Thế Tôn Thích ca mâu ni. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nguyên tác của bức tượng đã không còn nguyên vẹn. Nhưng theo sư thầy Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Phật Tích, bức tượng này mang phong cách đặc trưng của thời Lý cùng với sự giao thoa văn hóa với các trường phái từ Ấn Độ và lục triều của Trung Quốc, nhưng đã được Việt hóa bằng ngôn ngữ Việt.
Tượng A-di-đà ở chùa Phật Tích – Tuyệt tác điêu khắc thời Lý.
Theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, trong bài minh văn khắc trên tấm bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự bi” niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1687) hiện dựng trước Nhà tổ của chùa, có đoạn viết “Vua thứ ba triều Lý, năm Long Thụy Thái Bình 4 (tức năm 1057) cất lên cây tháp quý cao nghìn trượng, lại dựng lập pho tượng mình vàng cao sáu xích…”. Pho tượng mình vàng này chính là tác phẩm điêu khắc A-di-đà cổ nhất và hoàn thiện nhất của thời Lý mà chúng ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân cũng cho rằng, tượng A-di-đà là chuẩn mực của nghệ thuật thời Lý. Theo ông, với tượng A-di-đà ở chùa Phật Tích, mỹ thuật Việt Nam đã có được vẻ đẹp cổ điển, hình tượng điều độ, bình tĩnh, chứa niềm vui chân thực của kích thước người. Về chất cũng như về lượng, nó vừa vặn, thăng bằng với nhân cách dung dị và bác ái của làng xã và dân tộc.
Hiện nay, pho tượng này có hai phiên bản được đúc lại từ những năm 1950-1960. Hai bức tượng này được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử: “Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thẩm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này”.
Sư thầy Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích: “Tượng Phật A-di-đà mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, trong mối giao lưu, tiếp biến văn hóa với các trường phái của Ấn Độ và trường phái Lục Triều, Trung Quốc. Tôi muốn mạnh dạn dùng thuật ngữ, đó là trường phái nghệ thuật Phật Tích, bởi sự lan tỏa của nó trong văn hóa Việt Nam. Chúng ta thấy rõ sự lan tỏa đó ở những bức tượng cổ ở Ý Yên, Nam Định và Hà Tây cũ. Đó là những bức tượng mang phong cách Phật tích, từ khuôn mặt, chất liệu đá, tiêu biểu cho một phong cách mang đậm bản sắc văn hóa Việt”.
Theo vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét