Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Bệnh đau khớp vai

GNO - Đau khớp vai có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm các nguyên nhân do tổn thương xương, khớp vai và phần mềm quanh khớp vai.
Viêm khớp vai theo y học hiện đại
Thuật ngữ đau quanh khớp vai chỉ tổn thương phần mềm quanh khớp gồm cơ, gân, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu, hay gặp hơn và không bao gồm các tổn thương của xương và diện khớp vai (ổ chảo và đầu trên xương cánh tay). Đau có thể sau chấn thương, lao động - thể thao gắng sức, sau thay đổi thời tiết..
1.jpg


Viêm khớp vai là chỉ về chứng viêm mô mềm ở vùng khớp vai, bao gồm gân, cơ, dây chằng, màng khớp. Triệu chứng chủ yếu là đau khớp vai, hoạt động bị trở ngại. Bệnh này thường gặp ở những người 40 tuổi trở lên, nữ nhiều hơn nam, thường bị một bên, rất ít khi bị hai bên cùng một lúc. Biểu hiện ở thời kỳ đầu chỉ đau nhức là chính, hoặc chỉ đau âm ỉ và khó chịu ở khớp vai; sau đó cơn đau tăng dần, nhất là về đêm, thường ảnh hưởng đến giấc ngủ, khớp vai hoạt động cũng bị hạn chế dần, cuối cùng dẫn tới đau cứng khớp không cử động được. Đây là quá trình viêm xảy ra ở khớp vai do giảm tưới máu ở vùng này, viêm không có vi trùng.
Viêm khớp vai được hiểu theo Đông y
Đông y cho rằng con người bước qua tuổi trung niên dương khí hư suy, chính khí suy tổn, can thận bất túc, khí huyết hư nhược, vinh vệ thất điều, dẫn đến cân mạch, cơ nhục thất dưỡng, nếu bị nhiễm thêm phong hàn thấp tà, dễ khiến cho khí huyết ngưng trệ, kinh mạch không thông nên phát sinh bệnh này.
1/ Chính khí hư suy: Người ta thường nói “thất thất thận khí suy” (bảy bảy 49 tuổi thận khí suy), con người đến khoảng 50 tuổi, tinh khí can thận bắt đầu hư suy, hoặc lao nhọc quá độ, hoặc bị bệnh lâu ngày cơ thể hư nhược, khí huyết bất túc, cân mạch không được tư dưỡng, lâu ngày cân mạch co quắp, dễ gây nên bệnh.
2/ Tà khí xâm nhập: Ở những nơi ẩm thấp, mưa gió, hoặc ngủ để mình trần đều dễ bị ngoại tà xâm nhập, hàn thấp lưu trệ ở cân mạch, làm cho khí huyết ngưng trệ, cân mạch co quắp gây nên đau.
Viên khớp vai có những biểu hiện lâm sàng như thế nào?
1/ Đau nhức vùng vai: Ban đầu vùng vai đau nhức từng cơn, bệnh phần
nhiều phát triển chậm, sau đó cơn đau tăng dần, đau nhói hoặc đau như
dao cắt, vả lại liên tục hơn, một khi khí hậu thay đổi hay mệt mỏi
càng đau nhiều, cơn đau lan lên đến cổ và ra vùng tay (nhất là vùng khuỷu tay). Khi vùng vai bị va chạm hay bị kéo giãn đột ngột, thường gây đau dữ dội tợ như bị gãy xương.
2/ Khớp vai hoạt động bị hạn chế: Khớp vai hoạt động theo phía nào cũng đều bị hạn chế, nhất là quay lật tay ra phía ngoài, vào trong và đưa lên trên. Khi bệnh tình tiến triển, do lâu ngày ít hoạt động nên khớp bị dính liền giữa màng khớp và mô mềm chung quanh, lực cơ giảm yếu dần, bệnh nhân làm các động tác như chải đầu, rửa mặt, mặc áo đều khó khăn. Nếu bị nặng thì khả năng hoạt động của khớp khuỷu cũng bị ảnh hưởng, khi co khuỷu các ngón tay không thể sở đến vùng vai cùng bên, nhất là khuỷu tay, sau khi duỗi ra sau khó thể co lại.
3/ Sợ lạnh: Vai bị bệnh thường sợ lạnh, cho dù trời nắng, bệnh nhân cũng không dám để hở vai.
4/ Đè đau: Ở vùng khớp vai bị bệnh có điểm đè đau rõ rệt, một số ít bệnh nhân có điểm đè đau lan rộng ở mô mềm chung quanh khớp vai.
5/ Cơ bắp co rút và teo nhỏ: Một số cơ ở chung quanh khớp vai như cơ tam giác vai ở thời kỳ đầu có thể bị co rút, về sau bị teo do ít hoạt động, mỏm vai nhô lên, tay đưa lên và gập lui sau không tiện, lúc này triệu chứng đau nhức lại giảm.
6/ Kiểm tra Xquang và các xét nghiệm khác: Xquang khớp đa số bình thường, ở giai đoạn sau, một số bệnh nhân có hiện tượng chất xương bị xốp, hóa vôi ở dưới mỏm vai, nhưng không bị phá hủy. Các xét nghiệm khác đều bình thường.
Hướng điều trị là kháng viêm để điều trị triệu chứng, tập vật lý trị liệu và có thể dùng thêm các loại thuối tăng tăng tuần hoàn ngoại biên. Vận động nặng cần hạn chế ở giai đoạn cấp, ở giai đoạn sau phải tập vật lý trị liệu hay châm cứu và học cách vận động đúng. Bệnh rất hay tái phát. Viêm quanh khớp vai không có điều trị đặc hiệu, thường phối hợp nhiều biện pháp như điều trị nguyên nhân (nếu tìm thấy); tránh các vận động mạnh tại vùng khớp vai; phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, chiếu tia hồng ngoại sóng ngắn.
Món ăn vị thuốc cho bệnh viêm khớp vai. Sau đây là một số món ăn vị thuốc thường dùng để điều trị bệnh viêm khớp vai:
1/ Gà hầm Tang chi:
-  Gà mái mẹ 1 con, Tang chi (cành dâu tằm) 60g, một ít muối.
Tang chi cắt ngắn, gà làm thịt, bỏ chung hầm cho thịt gà chín nhừ, gia muối, ăn thịt và nước. Có tác dụng trừ phong thấp, bổ khí huyết, thông kinh lạc. Dùng thích hợp đối với bệnh viêm khớp vai mạn tính, cơ thể hư nhược.
2/ Cháo Xuyên ô:
- Xuyên ô đầu khoảng 5g, Gạo 50g, nước gừng 10 giọt, mật ong vừa đủ. Ô đầu giã vụn, tán bột mịn. Trước hết đổ gạo nấu cháo, khi cháo sắp chín hòa bột ô đầu vào, hạ lửa nhỏ nấu từ từ, đến khi cháo chín hòa nước gừng và mật ong vào, quấy đều, nấu thêm một tí là được. Có tác dụng tán hàn trừ thấp, ôn kinh chỉ thống, dùng thích hợp đối với chứng viêm khớp vai do phong hàn thấp xâm nhập.
3/ Cháo Đào nhân - Bạch thược:
- Đào nhân 15g, Bạch thược 20g, Gạo 60g. Bạch thược nấu lấy nước khoảng 500m; Đào nhân giã nhuyễn, hòa thêm nuớc vào đánh tan rồi lọc lấy nước. Đổ chung 2 thứ nước trên với gạo nấu cháo để ăn. Có tác dụng dưỡng huyết hóa ứ, chỉ thống, thông kinh lạc. Dùng thích hợp đối với chứng viêm khớp vai do ứ huyết.
TS. BS. THÁI PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét