Trung Quốc tự coi mình là bá chủ châu Á?
(Kienthuc.net.vn) - Vì sao Trung Quốc gây hấn với hầu hết các nước láng giềng? Có lẽ vì Trung Quốc tự coi mình là bá chủ châu Á.
Chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở Trung Quốc. |
Những động thái gây hấn này phản ánh chiến lược quyết đoán liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình. Điều này cũng cho thấy quân đội Trung Quốc là một thành tố mạnh mẽ trong chiến lược củng cố vị thế của ông Tập trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc.
Qua đó, quân đội Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều hơn trong các tính toán chiến lược và phô trương sức mạnh ở những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang tranh chấp với các nước láng giềng.
Từ nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tỏ ra quyết đoán trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ; phản đối đe dọa mọi công ty dầu khí nước ngoài hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông; hành động thô bạo chống Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough và ráo riết trả đũa việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thế nhưng, khác với trước đây, các hành động xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ trên đất liền diễn ra đồng thời với việc Bắc Kinh ráo riết tranh chấp biển đảo và ngang nhiên coi các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc giống như các khu tự trị Tây Tạng, Tân Cương.
Cuộc xâm nhập gần đây của quân lính Trung Quốc vào khu Ladakh là nhằm “nắn gân” quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Ấn Độ, đồng thời nhằm thách thức việc New Delhi tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai quân đội gần biên giới. Hành động ngang ngược này xuất phát từ việc Trung Quốc tự coi mình là bá chủ ở châu Á. Nó cũng phản ánh mức độ nghiêm trọng hơn trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Quân đội Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đến tính toán chiến lược và phô trương sức mạnh. |
Vụ xâm nhập của binh lính Trung Quốc ở Ladakh sẽ khiến cho Ấn Độ buộc phải lựa chọn đứng về phía các nước chống một Trung Quốc đang ngày càng bị coi là “kẻ bắt nạt” trong khu vực, với các hành vi thiếu kiềm chế chiến lược và ngày càng thô bạo hơn.
Hành động xâm lược này cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ-Việt Nam-Hàn Quốc-Nhật Bản-Philippines và Mỹ. Cơ chế hợp tác chiến lược này đang ngày càng được coi là một cơ chế bảo đảm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Gây ảnh hưởng với các nước khác không chỉ đơn giản là dựa trên sức mạnh quân sự, mà còn liên quan đến đạo đức, sức mạnh mềm cũng như sự rộng lượng của một cường quốc.
Xét theo tất cả các khía cạnh nói trên, Trung Quốc xem ra không phải là một cường quốc thực thụ. Bắc Kinh cần phải suy nghĩ lại về chiến lược khiêu khích đang thúc đẩy các nước láng giềng tham gia liên minh dựa trên chiến lược “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Bắc Kinh không nên chỉ đổ lỗi cho phương Tây mưu toan “kiềm chế” Trung Quốc, mà nên nhận thức được rằng chính hành động gây hấn ngày càng độc đoán của mình đang ngày càng khiến cho các nước láng giềng nghi ngờ xa lánh và càng khiến cho Trung Quốc không xứng đáng là một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét