Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm chuộng nguyên liệu nhập khẩu thay vì nguyên liệu nội địa. Lý do: nguồn hàng ổn định, chất lượng được kiểm soát tốt hơn, và có giá cạnh tranh hơn.
Ông Hứa Xuân Sinh, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Đức Việt (DVF) cho biết công ty đang nhập khẩu một lượng lớn thịt heo của Mỹ, Canada, châu Âu... bên cạnh sử dụng 50% nguồn nguyên liệu thịt heo trong nước để sản xuất.
Lý do là nguồn thịt heo nhập khẩu tương đối ổn định, giá cả ít biến động, chất lượng đảm bảo, còn nguyên liệu trong nước thì bấp bênh. Đó là chưa kể, quy trình cấp đông sản phẩm thịt heo trong nước không đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được chặt chẽ, đặc biệt là dịch bệnh không kiểm soát hết.
Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty TNHH Hải Dương (Bình Thuận) phân tích: Năm nay Thái Lan trúng mùa tôm, chi phí lại thấp, tôm nhập khẩu về VN vẫn rẻ hơn tôm trong nước.
Theo ông Trương Phú Chiến - Tổng giám đốc Công ty Bibica, hiện Bibica nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu đường, do phương thức thanh toán thuận lợi hơn đường nội địa vì không phải trả trước, giá ổn định.
Doanh nghiệp phải nhập khẩu thịt heo nước ngoài mới đủ sản xuất - Ảnh: D.Đ.M |
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích, quy mô chăn nuôi ở VN chủ yếu nhỏ lẻ, theo kiểu gia đình thì không thể kiểm soát được giá đầu vào, an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn hàng ổn định. Nhà nước cũng không thể kiểm soát chặt chẽ được nguồn hàng vì mua bán qua trung gian.
Nếu không nhanh chóng thực hiện cải thiện nguồn nguyên liệu trong nước, thiệt hại dài lâu là khó tính toán hết được. Vì những năm tới đây, khi các hiệp định thương mại với VN được thực thi, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào nước ta. Nếu cạnh tranh không nổi thì sản xuất trong nước sẽ chết, nông dân sẽ đi làm thuê cho nước ngoài và DN trong nước cũng sẽ bất lực nhìn nước ngoài làm lợi ngay trước mắt mình.
N.T.Tâm - Q.Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét