Trong lúc người giàu ngày càng giàu hơn, đội ngũ “thợ săn” phải làm việc tích cực hơn nữa nếu muốn đưa tin tường tận về câu lạc bộ giàu nhất thế giới.
Không phải tỉ phú nào cũng muốn huênh hoang và được cập nhật vào danh sách mà một số nước gọi là “bảng tử thần”, hay “lời nguyền của tỉ phú”. Tuy nhiên, nhất cử nhất động của họ không thoát khỏi cặp mắt theo dõi sát sao của những “thợ săn” được đào tạo lành nghề từ các lò như Forbes.
Lâu nay, bảng xếp hạng các tỉ phú uy tín nhất thế giới không bao giờ lọt khỏi tay của tạp chí Mỹ, với bề dày kinh nghiệm 25 năm, cho đến khi có sự góp mặt đáng gờm của một tên tuổi không xa lạ với giới tài chính, đó là Bloomberg.
Tân binh Bloomberg
Tạp chí Bloomberg Markets, có số lượng phát hành 375.000 bản/kỳ, hồi tuần rồi đã công bố ấn bản đầu tiên về danh sách “Người giàu nhất thế giới”. Ấn bản mới nhất là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Bloomberg, nhằm thách thức sự thống trị của Forbes trong nhiều thập niên qua, nhất là sau khi tuyển được cựu biên tập chuyên mảng người giàu thế giới từ Forbes Media là Matthew G.Miller.
Ông này cho biết khi còn ở Forbes đã phải chật vật theo dõi hoạt động của các tỉ phú trong lúc nhân lực bị hao hụt thảm hại. Khi chuyển sang Bloomberg hồi năm ngoái, Miller đột nhiên phát hiện “mỏ vàng”. Với khoảng 1.600 nhà báo phân bổ tại 72 quốc gia dưới trướng của Bloomberg, Miller hoàn toàn an tâm triển khai chiến lược “săn” tỉ phú.
(Từ trái sang) Bill Gates, Amancio Ortega, Carlos Slim cùng những siêu du thuyền - đồ chơi xa xỉ của giới tỉ phú. Ảnh: Charterworld.com, AFP, Reuters
|
Vào tháng 3 năm nay, Bloomberg bắt đầu công bố danh sách xếp hạng các tỉ phú thế giới, và thậm chí còn cập nhật dựa vào khối tài sản trồi sụt trên thực tế của các đối tượng.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà quản trị Bloomberg lại nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược đưa tin về thế giới tỉ phú, nhất là khi họ kiểm soát một khối lượng khổng lồ tài sản của cả thế giới.
Biên tập Ronald Henkoff của tờ Bloomberg Markets cho hay 200 tỉ phú trong danh sách của Bloomberg có tài sản ròng đến 2.700 tỉ USD, có nghĩa là bằng tổng sản lượng nội địa của Pháp, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Chiến lược mới củaBloomberg được giới truyền thông đánh giá là có thể đánh bại bất cứ đối thủ kỳ cựu nào trong mảng đưa tin về giới những người giàu nhất hành tinh.
Chẳng biết Forbes có chiến lược gì mới không để đối phó với sự cạnh tranh ác liệt từ Bloomberg. “Tân binh” này đã chơi trội khi công bố danh sách 200 người giàu nhất thế giới vào tháng 12.2012, trong khi Forbes thường giới thiệu bảng xếp hạng tương tự vào tháng 3 mỗi năm.
Danh sách của Bloomberg vinh danh gương mặt cũ - tỉ phú Mexico Carlos Slim là người giàu nhất thế giới với 77,5 tỉ USD. Bill Gates và Warren Buffett, thuộc trong top 5, đều là những cái tên quá quen thuộc nên không nhắc làm gì, nhưng dân tình bất ngờ khi nhân vật giàu thứ 3 thế giới lại là đại gia chuyên ngành bán lẻ quần áo Amancio Ortega của Tây Ban Nha, người sáng lập chuỗi cửa hàng Zara.
Ông này kiếm tiền nhanh siêu tốc, khi bỏ túi hơn 18 tỉ USD kể từ đầu năm nay tính đến ngày 5.10, tức khoảng 66 triệu USD/ngày! Với tốc độ làm giàu nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng, chẳng trách gì ông Ortega vượt mặt ông Buffet với giá trị tài sản ròng 53,6 tỉ USD so với 48,4 tỉ USD của tỉ phú người Mỹ.
Sự trỗi dậy của tỉ phú Tây Ban Nha cũng đánh dấu một xu hướng đáng khích lệ cho nền kinh tế thế giới: bán lẻ kiếm tiền bộn hơn so với buôn sỉ. Giá bông rẻ, tín dụng thấp và nhu cầu về những mặt hàng giá cả phải chăng đã đẩy cổ phiếu của Wal-Mart và Inditex (của ông Ortega) lên mức kỷ lục.
9 trong số 25 người giàu nhất thế giới là các đại gia bán lẻ. Trong số này có nhà sáng lập Ikea, Ingvar Kamprad (hạng 5 - 41,8 tỉ USD), 4 thành viên nhà Walton kiểm soát Wal-Mart (từ hạng 9 đến 12), và Stefan Persson, cổ đông lớn nhất của nhãn hàng quần áo Hennes & Mauritz AB (Thụy Điển).
Tỉ phú chìm
Như đã nói ở trên, Bloomberg tuyên bố đã “săn” được nhiều tỉ phú ẩn mặt mà kình địch Forbes chưa phát hiện được. Ông Miller cho biết chỉ trong vòng 1 năm, các phóng viên Bloomberg đã phát hiện hơn 40 tỉ phú ẩn mặt. Trong số này hiện diện một vài gương mặt nữ với gia sản kếch sù mà danh sách của Forbes đã bỏ qua, như Elaine Marshall, cổ đông chính của Koch Industries, và Dirce Camargo, phụ nữ giàu nhất Brazil, nắm trong tay sơ sơ 13,4 tỉ USD.
Bloomberg News cũng tiết lộ ông Tôn Khánh Hậu là người giàu nhất Trung Quốc đại lục với 20,1 tỉ USD giá trị tài sản, so với 12,6 tỉ USD theo Hồ Nhuận, danh sách chuyên về tỉ phú Trung Quốc.
“Dàn phóng viên của chúng tôi thực sự là những tay săn tỉ phú”, ông Miller tự hào nói. Họ liên tục gọi điện cho những người này, và thậm chí lưu số trên phím tắt để dễ bề liên lạc, nhà biên tập tiết lộ.
Để tính toán giá trị thực của khối lượng tài sản của một tỉ phú, “thợ săn” phải định giá cổ phần mà họ nắm giữ của các công ty được niêm yết, quy đổi sang USD. Đối với những tài sản thuộc các hãng khó quy đổi thành tiền mặt, trừ đi 5% hoặc hơn...
Còn về tài sản riêng, tùy theo loại tài sản có cách định giá thích hợp, từ bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, trang sức đến du thuyền, máy bay lẫn tàu ngầm đều được tính tất tần tật. Sau khi có kết quả, con số này sẽ được thông báo cho từng tỉ phú hoặc người đại diện để họ có cơ hội phản hồi, theo Bloomberg.
Trong số các quốc gia sản sinh tỉ phú nhiều nhất thế giới, Trung Quốc có lẽ là một trường hợp đặc biệt, khi người càng giàu thì càng muốn giấu diếm. Theo báo cáo Hồ Nhuận vào tháng 9.2012, nước này có khoảng 251 tỉ phú USD, so với con số 15 cách đây 6 năm. Sau khi săm soi cặn kẽ danh sách dài ngoằng (vì có cả triệu phú), tờ The Economist phán một câu xanh rờn: toàn là tỉ phú “thỏ” (tức tuổi mèo tính theo 12 con giáp như người VN). Số liệu thống kê cho thấy những người sinh năm 1963 chiếm đa số trong bảng xếp hạng 1.000 người giàu nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản của tỉ phú Trung Quốc lại thua xa Mỹ, và chỉ vài tỉ phú có hơn 10 tỉ USD, dù khối lượng của cải mà nước này tạo ra trong 15 năm qua vượt xa bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Sự bất thường ở đây khiến một số chuyên gia cho rằng phải chăng Bắc Kinh đang áp dụng một quy luật bất thành văn nào đó, khiến người giàu Trung Quốc thua các tỉ phú xuất thân từ những nền kinh tế nhỏ hơn, trong đó có Ấn Độ, Mexico, Nga và Nigeria.
Trong vòng 10 năm qua, có đến 2 vị từng ngồi vào vị trí giàu số 1 Trung Quốc đang bóc lịch dài hạn trong nhà đá, như tỉ phú Hoàng Quang Dụ, người giàu nhất vào năm 2007 với 6,3 tỉ USD, hiện thụ án 14 năm tù giam vì tội hối lộ và thao túng thị trường chứng khoán.
Vào năm 2003, trùm bất động sản Dương Bân, người giàu thứ 2 Trung Quốc đại lục, đã bị kết án 18 năm tù giam vì trốn thuế. Cố Sồ Quân, từng xếp 20 trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Forbes năm 2001, cũng bóc lịch 12 năm. Còn Châu Chính Nghị, người giàu thứ 11 vào năm 2002, đã bị bắt vào năm sau do các cáo buộc tham nhũng. Sau khi thụ án 3 năm, Châu tiếp tục bị tuyên án thêm 16 năm nữa vì tội hối lộ và các tội khác.
Tờ The Washington Post bình rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố “giàu có là vinh quang”, nhưng có lẽ nên diễn dịch lại là: “giàu thì được, nhưng đừng quá giàu”.
Thụy Miên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét