Truy đuổi "nóng" hay xử phạt "nguội": tùy tình huống vi phạm
12/05/2013 14:59 (GMT + 7)
TTO - Trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) có nên truy đuổi người vi phạm giao thông đến cùng hay không?Trường hợp chống đối nào thì cần phải trấn áp mạnh, trường hợp nào linh hoạt xác minh xử lý sau?…
Để hiểu rõ những nội dung xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT (PC67) - Công an Hà Nội.
Ông Thắng nói:
Việc xử lý các trường hợp chống đối trong vi phạm giao thông được cán bộ, chiến sĩ CSGT thực hiện theo thông tư 66-2012 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ. Trong thông tư này quy định rõ về giải quyết một số trường hợp cụ thể trong công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về đường bộ.
* Cụ thể xử lý các trường hợp này như thế nào, thưa ông?
- Điều 20 của thông tư quy định rất chi tiết, việc CSGT sẽ làm gì đối với các trường hợp lái xe không chấp hành hiệu lệnh, đó là phải nhanh chóng ghi nhận đặc điểm của xe, loại xe, màu sơn, biển kiểm soát và cả đặc điểm của người lái xe. Tiếp đó, nếu lái xe bỏ chạy lực lượng tại chỗ phải thông báo ngay cho các tổ CSGT liền kề trên tuyến và các lực lượng khác để hỗ trợ và báo cáo về đơn vị để chỉ đạo triển khai lực lượng. Trong quá trình đó phải duy trì thông tin liên lạc để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
* Các biện pháp ngăn chặn nào được áp dụng trong tình huống nêu trên?
- Điều này tùy theo loại xe và tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe, từ đó các tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát quyết định tổ chức lực lượng, phương tiện và biện pháp thực hiện việc ngăn chặn cho phù hợp. Ví dụ đối mỗi phương tiện khác nhau như xe tải, xe khách, xe con, hay xe máy… với những hành vi vi phạm cụ thể sẽ có những biện pháp cụ thể tại chỗ được áp dụng.
* Với những trường hợp gây nguy hiểm cho người xung quanh, có nhất thiết CSGT phải truy bắt bằng được?
- Mục tiêu xử lý vi phạm nhưng phải đảm bảo hàng đầu là an toàn cho cán bộ, thi hành, đối tượng vi phạm và đặc biệt là nhân dân đang tham gia giao thông. Khi đối tượng vi phạm không chấp hành mà bỏ chạy, CSGT sẽ dùng loa, còi, hiệu lệnh, yêu cầu dừng xe lại. Kế đó CSGT tìm cách cho xe tuần tra vượt lên phía trước xe vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm của người lái xe.
Riêng đối với các trường hợp lái xe dùng xe để chèn ép xe tuần tra hoặc sử dụng các phương tiện, công cụ gây nguy hiểm cho tính mạng cán bộ, chiến sĩ và người đi đường, có dấu hiệu phạm tội thì phải tổ chức lực lượng ngăn chặn đình chỉ ngay hành vi vi phạm đó. Trong trường hợp này CSGT được sử dụng vũ lực, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để ngăn chặn, bắt đối tượng…
* Vậy với những hành vi vi phạm như thế nào sẽ không truy đuổi "nóng" mà tiến hành phạt "nguội"?
- Như đã nói ở trên, các trường hợp không chấp hành ở mức độ vừa phải, không gây nguy hiểm cho người thi hành và người tham gia giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ ghi lại các đặc điểm xe, loại xe, biển kiểm soát, màu sơn, đặc điểm lái xe để điều tra xác minh và mời người vi phạm đến xử lý sau, đồng thời phải lập biên bản và có người làm chứng. Những trường hợp này phòng CSGT đã xử lý rất nhiều, hình thức xác minh phổ biến là qua các đơn vị chức năng, đặc biệt là nơi đăng ký phương tiện.
Ví dụ dịp lễ 30-4, 1-5 mới đây, các đội CSGT đã xử lý các xe khách chạy trên QL6, QL1B… bằng hình thức phạt "nguội" chỉ một ngày sau khi xảy ra vi phạm. Các phương tiện dừng đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông mà chủ phương tiện không xuất hiện để xử lý, lực lượng CSGT cũng tiến hành chụp ảnh, ghi hình, lấy nhân chứng và xử lý sau.
* Vậy tại sao thời gian qua vẫn có những hình ảnh không đẹp mắt như CSGT phải bám lên nắp ca-pô, cần gạt nước hoặc cánh cửa ca-bin?
- Trong quá trình anh em thi hành nhiệm vụ, rất nhiều lái xe manh động chống đối bằng cách quay đầu hoặc lao trực diện vào cảnh sát với tốc độ cao, nguy hiểm đến tính mạng anh em. Với những tình huống bất khả kháng trên, bắt buộc anh em CSGT phải lập tức né sang một bên, nếu không kịp buộc phải nhảy lên nắp ca-pô hoặc bám vào cần gạt nước với mục đích nhằm né, giảm bớt lực của cú đâm, bảo vệ tính mạng bản thân.
Quan điểm của lãnh đạo công an thành phố và phòng CSGT từ trước tới nay là không đồng ý với cán bộ chiến sĩ nhảy lên nắp ca-pô, việc này phòng cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho CSGT để cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, như đã nói những tình huống đó là bất khả kháng, không hề được khuyến khích.
LÂM HOÀI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét