Tìm hiểu Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải
GN - Vào đầu năm 2012, Đại học Harvard ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ - một trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới - đã thành lập Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải (The Tran Nhan Tong Reconciliation Prize).
Đây là giải thưởng quốc tế do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard trao tặng hàng năm dựa trên trên cơ sở thẩm định của Ủy ban Giải thưởng của viện.
Huân chương của Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải
Giải thưởng Trần Nhân Tông được trao tặng thường niên cho những người có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp hòa giải, yêu thương và hướng thiện trên thế giới, dựa trên sự xét duyệt của Ủy ban Giải thưởng do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông đề cử. Giải thưởng được trao tặng cho bất cứ ai có “đóng góp để xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm hòa giải, chấm dứt xung đột, dành tình yêu thương cho nhân loại, ngăn chặn bạo lực và thúc đẩy các hành động hòa giải, hòa bình và tình yêu thương”.
Hàng năm, Ủy ban Giải thưởng của viện sẽ lựa chọn 2 nhân vật có nhiều đóng góp cho yêu thương và hòa giải để trao giải. Người nhận giải sẽ được tặng thưởng Huân chương Trần Nhân Tông, bằng chứng nhận cùng với một tác phẩm âm nhạc cổ điển ca ngợi người được tôn vinh hoặc một bài thơ.
Nhiệm vụ chính của Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông là: Tổ chức Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải tại Đại học Harvard, Boston; tổ chức Hội nghị Trần Nhân Tông tại Đại học Harvard; xây dựng Viện Bảo tàng Trần Nhân Tông tại Hà Nội; và xây dựng trang web: www.trannhantong.net.
Để giúp bạn đọc biết rõ hơn về Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị bài phỏng vấn Giáo sư Thomas Patterson, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard.
Thưa giáo sư, tại sao Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông tổ chức Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải?
- Hòa giải là cách tiếp cận người khác, ngay cả khi họ đã là kẻ thù của bạn, là một con đường dẫn đến hòa bình lâu dài và hòa hợp ngay trong từng cá nhân và giữa người với người. Cuộc đời của Trần Nhân Tông phản ánh rất rõ về tầm quan trọng của hòa giải và rất phù hợp với Giải thưởng mang tên ngài.
Xin giáo sư cho biết sự khác biệt giữa Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Giải thưởng Nobel vì Hòa bình là gì?
- Sự khác biệt lớn nhất đó là Giải thưởng Trần Nhân Tông thường trao cho hai hoặc nhiều cá nhân trong khi Giải Nobel, thường chỉ trao cho 1 người hoặc có trường hợp trao cho hơn 1 người, nhưng thường thì giải thưởng này chỉ trao cho một cá nhân.
Hòa giải là hành động hàn gắn, mang những phái đối lập lại với nhau. Để hòa giải thực sự được diễn ra, cả hai phía phải sẵn sàng hợp tác và nhượng bộ, mặc dù trong một số trường hợp một bên đã đàn áp bên kia. Chỉ khi mỗi bên sẵn sàng bước tới với cái ôm hôn cho bên kia, hòa giải thực sự xảy ra.
Hòa giải là hành động song phương, và điều này tạo nên sự khác biệt giữa Giải thưởng Trần Nhân Tông và Giải thưởng Nobel.
Có rất nhiều giải thưởng khác nhau. Vậy điều gì đặc biệt khiến Giải thưởng Trần Nhân Tông độc đáo, danh giá và nổi tiếng trên toàn cầu?
- Có hai nhân tố khiến Giải thưởng Trần Nhân Tông độc đáo: một là nó trao cho 2 cá nhân, những người làm việc cùng nhau ở hai phía đối lập, đã giúp giảm sự khác biệt giữa hai bên; yếu tố độc đáo thứ hai chính là bản thân ngài Trần Nhân Tông. Ngài có một cuộc đời thực sự anh hùng và đạo đức.
Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, chỉ có một vài lãnh đạo đã từ bỏ quyền lực và giàu sang để làm tấm gương về sự giản dị và đạo đức cho thế hệ sau.
Là một giáo sư người Mỹ được đánh giá cao tại Harvard, điều gì khiến ông quyết định nhận lãnh vai trò Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông và tham gia vào hội thảo và Giải thưởng Trần Nhân Tông tại Harvard?
- Khi được mời giữ vai trò lãnh đạo tại Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông, tôi đã chấp nhận với tất cả sự khiêm nhường. Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi rất yêu quý đất nước, con người và lịch sử Việt Nam. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, một vị vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2010 tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi tới Việt Nam cùng vợ và có cơ hội thăm Yên Tử ở Quảng Ninh. Đó là nơi tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh không một chút vị kỷ của ông đối với đất nước.
Tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy di sản Trần Nhân Tông để lại, thu hút sự quan tâm của mọi người ở Việt Nam và thế giới.
Minh Nguyên (Theo http://en.trannhantongprize.org/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét