Lắng nghe & trị liệu
GN - Lắng nghe và trị liệu, nói cho dễ hiểu là tu hạnh lắng nghe. Người tu hạnh này tiêu biểu nhất trong Phật giáo là Bồ-tát Quan Âm. Hành giả nào theo hạnh này thực tập có kết quả tốt thì cũng chữa trị được cho mình và cứu chữa được cho chúng sanh.
Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại chùa Huê Nghiêm, quận 2, TP.HCM
Đa số người thích nói, nhưng không thích nghe, cho nên mới có sự tranh cãi, vì người nào cũng muốn nói, nhưng không chịu nghe, tạo thành sự đấu khẩu bắt người nghe theo mình, nên mọi người đều bất an. Đây là điều tối kỵ trong Phật giáo, gọi là tà giáo ngoại đạo, thuyết phục người không được thì lại đe dọa để người phải nghe và theo mình. Ngược lại, trong Phật giáo, trước nhất chúng ta thấy Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, Ngài có hạnh đặc biệt là trầm lặng và lắng nghe, nghe tâm sự của người để hiểu hoàn cảnh của họ và xa hơn là biết nghiệp của họ, mới tìm phương cách đối trị, giúp cho họ được giải thoát.
Trên bước đường tu, muốn làm được như vậy, chúng ta lắng nghe ai là điều quan trọng, vì sai lầm sẽ dẫn chúng ta vào đường tà. Theo kinh nghiệm của tôi, học hạnh này mình lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chúng sanh, nhưng mình cũng chưa thoát khỏi khổ, thì nghe cái khổ của người làm cho lòng chúng ta đau thêm, khổ thêm. Lắng nghe như vậy chắc chắn là hậu quả không tốt. Vì vậy, đối với hạng chúng sanh này, Phật dạy chúng ta tập hạnh viễn ly, chẳng những không lắng nghe, mà còn không nghe.
Tôi tu đầu tiên tập hạnh không nghe, chỗ nào đông người tụ tập, tôi tránh, khác với những người thấy có chỗ ồn ào là chạy tới coi. Thấy đông người tìm tới để nghe thì được gì. Người Việt Nam hay rơi vô tật xấu này. Hôm trước chúng ta tổ chức cầu nguyện và quyên góp cho nạn nhân bị động đất ở Nhật. Có một số bạn nghe nói tôi sắp qua Nhật, họ bảo đừng đến đó, vì chưa khắc phục được sự nguy hiểm của phóng xạ, thì mình tới cũng chưa làm được gì. Thường chúng ta nghe điều gì thấy động lòng là làm ngay. Người Nhật khác chúng ta. Họ ở Nhật, nhưng cũng không tới vùng bị thiên tai này, vì họ nghĩ tới thì có thể làm được gì. Làm đạt hiệu quả cao nhất mới làm. Không làm được mà tới chỉ gây ra sự vướng bận việc cứu hộ . Theo họ, đến vùng hỏa tai thì có áo chống lửa, hay phao cứu mạng, hoặc phải có mặt nạ chống phóng xạ mới dám đi vô. Phải suy nghĩ và trang bị đầy đủ mới đến để cứu người, đó là cách làm theo Bồ-tát, xuất hiện để làm hay biến mất đều có sự chuẩn bị đầy đủ mới làm được và xong việc thì trở về bổn độ. Còn Phật tử chúng ta nghe không làm được cũng tới, như vậy tốn tiền và công sức nhiều, nhưng hậu quả không cao. Thí dụ chúng ta nghe Nhật bị thiên tai, có tinh thần tương thân tương trợ rất tốt, nhưng qua đó cứu trợ, tiền vé máy bay đi và chi phí lưu trú khách sạn và di chuyển tốn kém quá, trong lúc đó, tất cả thiết bị cần có để cứu trợ tốn kém hơn và cần thiết hơn. Ta tới cho vài gói mì, năm, mười đô-la, như vậy chúng ta bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, những người tới cứu giúp phần nhiều là bác sĩ, y tá, nhân viên cứu hỏa, số người tới chuyên môn, nên không đông, nhưng làm việc hiệu quả cao; nước văn minh làm như vậy.
Trên bước đường tu, phải biết lắng nghe, nhưng có trí tuệ chỉ đạo. Sống trên cuộc đời mà không biết gì thì không nên, nhưng biết để sanh phiền não cũng không nên. Khẩu hiệu của người Nhật là hình ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng để tâm chúng ta yên tĩnh, chúng ta không nghe không biết việc xảy ra sẽ giúp tâm bớt dao động và dễ tập trung tư tưởng, đó là việc chính của đạo Phật. Các vị Tổ sư rút kinh nghiệm này dạy chúng ta như vậy và điển hình là Tổ Quy Sơn dạy rằng “Bất dữ chư trần tác đối”, nghĩa là không tiếp xúc với ngoại duyên, vì tiếp xúc với bên ngoài nhiều, tâm chúng ta không thể an được. Chính vì vậy mà các thầy tu phải an cư ba tháng, hay nhập thất kín để có thể tập trung vào Phật pháp. Lúc đó không nghe bên ngoài, nhưng chúng ta lắng nghe âm thanh của Phật, Bồ-tát bằng cách đọc tụng kinh điển Đại thừa để suy nghĩ và xa hơn mới lắng nghe được yếu nghĩa mà Phật muốn dạy. Đức Phật cho biết khi Ngài hành Bồ-tát đạo ở thời tượng pháp của Phật Oai Âm Vương, Ngài không nghe bên ngoài, mới nghe được hai mươi ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp hoa của Phật Oai Âm Vương tuyên thuyết, tức cách xa Ngài một ngàn năm sau mà Ngài còn nghe được. Riêng tôi, không nghe sinh hoạt bên ngoài xã hội, mới nghe được pháp âm của Phật, nên tâm yên tĩnh và sáng lần. Tôi lắng nghe pháp âm Phật và trị liệu nghiệp chướng phiền não trần lao của mình là lấy pháp Phật rửa sạch trần tâm của mình. Và khi tâm chúng ta thanh tịnh và pháp Phật có trong lòng ta, thì người thấy ta, chắc chắn tâm họ cũng thấy an; đó là kinh nghiệm tu của tôi, tuy ta không nói, nhưng người có cảm giác ta hiểu họ, nên họ đến với ta và trong ta đã có Phật pháp, người muốn học Phật pháp thì tìm đến với ta. Nhưng nếu tâm chúng ta chưa thanh tịnh, Phật pháp chưa có trong lòng mà muốn người nghe ta là nghe cái nghiệp phiền não hay sao. Vì vậy, một số người tu không có kết quả, vì phần nhiều cũng đi chùa tụng kinh, nghe pháp, nhưng thực có lắng nghe pháp hay không, hay là nghe cái gì khác. Nghe được pháp Phật, tâm chúng ta phải lắng dịu, được an lạc, giải thoát, thì chính sự an lạc giải thoát đó của ta đã chữa được bệnh của mình rồi, mới chữa được cho người khác.
Vì thế, nếu ở giai đoạn một mà lắng nghe phiền não và đem phiền não đối xử với nhau là tu sai. Quan Âm lắng nghe phiền não của chúng sanh được, vì trong lòng Ngài đã tràn đầy Phật pháp, tất cả Phật pháp để trị liệu phiền não cho người thì Ngài đã có sẵn, tất cả bệnh của chúng sanh, Ngài biết rõ. Ngài lắng nghe trần thế, nhưng trần thế không tác động được Ngài. Khi trần thế còn tác động chúng ta là biết chúng ta chưa lắng nghe được. Còn tâm chúng ta thanh tịnh, sáng suốt rồi và thấy được phương pháp trị liệu thì mới lắng nghe. Cũng như khi quý vị không giải quyết được buồn phiền mới tìm người tư vấn có khả năng lắng nghe. Ta có thể nói hết tâm trạng của ta và họ tiếp thu được hoàn cảnh của chúng ta và sử dụng phương pháp trị liệu để chỉ chúng ta cách tu.
Người có khả năng lắng nghe và có phương pháp trị liệu thì chúng ta trút hết tâm sự cho người này rồi, lòng chúng ta sẽ thấy nhẹ liền, không còn phiền não. Còn nghe người trút tâm sự, nếu nghiệp phiền não mình còn sẽ tác động cho phiền não ta sanh khởi là ta chưa đủ tư cách nghe. Nghe nhưng chúng ta không buồn phiền khổ đau theo người, mà đem trí tuệ của mình để soi sáng, cho người lời khuyên hữu ích. Điển hình như khi nhà Lê sắp chấm dứt, Nguyễn Kim có người con trai là Nguyễn Hoàng rất đau khổ, vì ông rời Đông Kinh (tức Hà Nội ngày nay) hay ở lại đều sợ bị Trịnh Kiểm giết. Nguyễn Hoàng mới tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có khả năng lắng nghe và trị liệu. Khi nghe Nguyễn Hoàng trình bày tâm sự này, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ khuyên một câu thôi: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, thì ông về xin Trịnh Kiểm vào ở phía Nam dãy Trường Sơn, muôn đời được yên thân. Những nhà minh triết có khả năng lắng nghe và trị liệu mới làm được việc lớn.
Ta không phải Quan Âm, cũng không phải là nhà minh triết, nên suy nghĩ cẩn thận trước khi lắng nghe. Theo tôi, bước đầu phải đem Phật pháp vào tâm để rửa sạch tâm trần rồi, thì tuy chưa làm được việc lớn, nhưng chắc chắn cũng ít phạm sai lầm. Bản thân mình sai lầm mà khuyên người thì không tốt; việc mình chưa hóa giải được mà làm cho người là điều không tưởng. Việc của mình phải hóa giải trước, tự trị liệu chính mình. Tôi chuyên tụng kinh Pháp hoa, lạy Hồng danh Pháp hoa mà có sức khỏe tốt và có được lực tập trung ổn định. Nhờ lạy Phật, tôi được Phật hộ niệm, nhờ trì kinh mà tôi nhận được yếu chỉ kinh. Như vậy, phương pháp trị liệu của tôi là nhờ Phật hộ niệm và có Phật pháp hóa giải. Tôi khuyên quý vị khi không giải quyết được, nên xếp việc lại một bên, lo lạy Phật để cầu Phật gia hộ, xem Phật dạy ý gì trong kinh. Tất cả những điều Phật dạy đều là pháp để trị liệu, chúng ta đọc thấy điều nào ứng với mình thì chọn ra để áp dụng. Có thể khẳng định rằng phương pháp trị liệu được Phật để sẵn trong kinh.
Lễ hội hoa đăng cầu nguyện tại tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm ở núi Tứ Tượng (TT-Huế) - Ảnh.K.Lực
Đọc kinh Pháp hoa, tôi bắt gặp trong phẩm An lạc hạnh thứ 14 có phương pháp trị liệu mà Phật để lại rất tốt, đó là bốn pháp an lạc của Phật, khi chúng ta chưa được an thì cần phải áp dụng để được an. Một là phải an thân, muốn như vậy, không đến chỗ tranh chấp. Chỗ đông người, tranh cãi hơn thua mà chúng ta tới thì làm sao an được, chẳng những không giải quyết được gì, nghiệp chướng trần lao của chúng ta còn tăng thêm nữa; vì vậy, không nên gần gũi chỗ tranh chấp bất an.
Thứ hai là không nên gần gũi người quyền thế dù là bà con. Thực tế cho thấy hàng phàm phu thích nhìn bà con với người quyền thế, thực là dại. Người có quyền thế, nếu lắng lòng thanh tịnh chúng ta sẽ thấy họ thường có nhiều vấn đề, cho nên Phật khuyên chúng ta nên tránh họ, gần họ lợi trước mắt không bao nhiêu, nhưng nhiều khi hại mình, chuốc lấy đau khổ.
Thứ ba là không gần những người làm nghề ca xướng, múa hát, kỹ nữ; vì họ là người thêu dệt giỏi, họ muốn làm người ta cười hay khóc đều được. Vì vậy, trị liệu tâm buồn vui của mình bằng cách giữ tâm an lạc thì phải tránh họ.
Thứ tư là không đọc tiểu thuyết. Trước kia, ở Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa không cho đọc tiểu thuyết, nhưng ra ngoài học văn, phải đọc. Hòa thượng dạy rằng tiểu thuyết làm người ta rối tâm, vì tiểu thuyết luôn bịa đặt thêm thắt, không thật, làm tâm chúng ta dao động, thì làm sao sáng tâm được.
Áp dụng được phương pháp trị liệu này của Phật, mình thấy an rõ ràng, vì tranh giành không có thì ai động đến mình. Kinh gọi là thân cận xứ, Phật dạy chúng ta nên ngồi yên một mình đọc tụng lời Phật dạy và thiền là giữ tâm chúng ta lắng yên. Thực tập pháp an lạc hạnh của Phật là chúng ta thấy an liền.
Ngoài phần thân an lạc, để khẩu an lạc, Phật khuyên chúng ta đừng nói, vì nói lỗi phải chưa biết đúng sai, nhưng chắc chắn chúng ta bị đánh giá là nhiều chuyện. Đôi khi, chúng ta nói ít, nhưng người lặp lại thì khác, sẽ làm mất lòng rất nhiều. Tốt nhất là đừng nói, điều thực còn không nói, huống chi là nói điều không thực. Nói nhiều sanh đôi chối, rất mệt. Cho nên, Phật khuyên chúng ta tịnh khẩu. Ngoài ra, Phật dạy chúng ta giữ ý thanh tịnh là không nghĩ gì, hay đúng hơn là nghĩ lời Phật dạy, suy nghĩ những điều trong Phật pháp mà mình tâm đắc. Ngài Huệ Tư cũng áp dụng an lạc hạnh có kết quả rất tốt. Trước khi tu, ngài bị bỏ thuốc độc, nhưng ngài giác ngộ phẩm 14, mới sửa đổi, không nói và chỗ đông thì tránh, chỉ chuyên tụng kinh Pháp hoa một thời gian, người trong vùng và vua chúa xe giá lên núi tặng cho ngài tôn danh là Đại Nhạc thiền sư.
Có phẩm 14 An lạc hạnh, vì các Bồ-tát phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp hoa không sợ chết, chỗ nguy hiểm sẵn lòng dấn thân. Bấy giờ, Phật mới nói phẩm 14, vì ý tưởng của các Bồ-tát như vậy rất tốt, nhưng không nên liều lĩnh, chết uổng mạng. Vì vậy, Phật cho lời khuyên thệ nguyện an lạc, vì khi chưa có đủ điều kiện giúp đỡ thì đừng tới, đừng làm. Điều này cho chúng ta suy nghĩ rằng đến đâu để làm gì và gặp ai. Trả lời được câu này một cách đúng đắn, hãy tới và làm đúng việc đó thôi. Còn biết ta chưa làm được thì để đó, khi đủ điều kiện sẽ tới. Độ chúng sanh phải chờ đúng lúc mới độ được. Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở rằng Phật và Bồ-tát thương chúng sanh, nhưng tại sao các Ngài không xuất hiện; đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ, Phật thường ví rằng trái chưa chín, không ăn được. Vì vậy, có thệ nguyện an lạc là nguyện trong lòng, nhưng phải chờ đúng lúc, làm sớm thất bại.
Tôi suy nghĩ đất nước Việt Nam trải qua giai đoạn dài của lịch sử, mà những sự kiện xảy ra đúng thời đó, có con người đó thì làm được. Khi nhà Đinh lập nghiệp, có Pháp sư Ngô Chân Lưu gầy dựng nhà Đinh. Chỉ có Đinh Tiên Hoàng và ngài Ngô Chân Lưu kết hợp mới thống nhất được mười hai sứ quân và thành lập nước Đại Cồ Việt. Đến thời Lý có Lý Thái Tổ và Vạn Hạnh thiền sư xuất hiện cùng lúc với danh nghĩa thầy trò để xây dựng và phát triển đất nước. Phật và Bồ-tát luôn xuất hiện đúng lúc. Đến nhà Trần, chúng ta thấy Trần Nhân Tông bỏ ngôi đi tu từ lúc tuổi còn trẻ. Con người đó, ở tuổi đó, làm được bao nhiêu việc đó, là xuất hiện đúng lúc để làm. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta đọc tụng kinh điển để nắm cho được phương pháp trị liệu và đến đúng thời điểm sử dụng được thì đem dùng. Còn phương pháp chúng ta chưa nắm được và thời điểm cũng chưa tới, có làm cũng không đạt được kết quả tốt, khuyên một người cũng không được. Đúng thời điểm thì không khuyên, người cũng tìm nghe. Riêng tôi, chỉ lạy Phật cầu gia bị và tụng kinh Đại thừa, học phương pháp trị liệu mà Phật để lại, nên đạt được một số thành quả nhất định xin chia sẻ với quý vị.
HT.Thích Trí Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét